Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Giá xăng dầu tăng cao đẩy CPI tháng 5/2022 tăng 0,38%
Hà Nguyễn - 29/05/2022 10:06
 
Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tăng 0,38%.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào được Tổng cục Thống kê cho rằng là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tăng trong tháng 5/2022.

Giá xăng dầu tăng là nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước

Với mức tăng này, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng CPI 5 tháng đầu năm 2017-2020 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: tăng 4,47%; tăng 3,01%; tăng 2,74%; và tăng 4,39%.

5 tháng, CPI bình quân - chỉ số được lấy làm chỉ số lạm phát của Việt Nam - đã là 2,25%. Trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng, thì nhiều khả năng, năm nay, lạm phát sẽ không còn ở mức thấp như năm ngoái (1,84%), mà sẽ xoay quanh ngưỡng mục tiêu 4%.

Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và các nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ vào khoảng 3,8-4%. Thậm chí, có những dự báo đưa ra con số 4,5%, tùy thuộc vào giá dầu thô và các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng ở mức bao nhiêu.

Tốc độ tăng/giảm CPI của các nhóm hàng hóa

Quay trở lại diễn biến giá cả hàng hóa thị trường tháng 5/2022, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; và chỉ có 1 nhóm hàng giảm giá.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm.

Trong khi đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; nhóm giáo dục  tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%...

Dịch bệnh kiểm soát tốt, nhịp sống bình thường quay trở lại khiến các hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đó là lý do khiến CPI nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,74% so với tháng trước.

Tuy nhiên, tăng cao nhất vẫn là nhóm hàng giao thông, với mức tăng 2,34%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.

Nhóm hàng này tăng cao như vậy chủ yếu ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào các ngày 04/5/2022, 11/5/2022 và 23/5/2022, khiến giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%.

Giá xăng tăng trong bối cảnh nhu cầu đi lại đang tăng cao trở lại sau dịch cũng đã đẩy giá dịch vụ giao thông công cộng tăng mạnh, với 1,06%. Trong đó, riêng giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng tới 1,91%.

Trong rổ hàng hóa tính CPI lần này, chỉ duy nhất một nhóm hàng giảm giá, đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm 0,13% so với tháng trước.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy là bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%). Điều này, theo Tổng cục Thống kê, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 5/2022 giảm 0,52% so với tháng trước; tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 6,48%.

Còn chỉ số USD tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 giảm 0,49%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư