Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Trên thì bảo dưới cứ làm đi, nhưng dưới sợ”
Nguyễn Lê - 30/10/2023 17:38
 
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu nguyên nhân dẫn đến hạn chế của các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình cuối phiên họp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia là phân cấp, phân quyền chưa rõ, chưa đến nơi, đến chốn, dưới chờ trên, trên bảo dưới làm đi, nhưng dưới sợ, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Chiều 30/10, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là nhiệm kỳ thứ 2 thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này, các công việc đòi hỏi phải cao hơn và trước đây đã khó thì giờ còn khó hơn. Bởi không chỉ giảm nghèo đơn thuần, mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn và đòi hỏi bền vững.

Kết quả vừa qua, theo đánh giá của Bộ trưởng, còn nhiều điều hạn chế, đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng giảm nghèo, tính bền vững của giảm nghèo.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, một số vị đại biểu đã thảo luận, tranh luận về nguyên nhân nhiều gia đình không muốn thoát nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, không ai sinh ra và lớn lên mà muốn mình nghèo, không ai không muốn thoát nghèo, nhưng chỉ vì chưa có khả năng thoát nghèo. Đồng thời, nếu còn trong danh sách hộ nghèo, chí ít còn hưởng chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Về một số ý kiến băn khoăn liệu các chính sách cho không có tạo nên sự ỷ lại hay không, ông Đào Ngọc Dung khẳng định, trong chương trình giảm nghèo không còn chính sách cho không, mà chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện, cả về hỗ trợ sản xuất, nhà ở, sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

“Tại nhiều địa phương, hàng trăm hộ viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhường quyền lợi cho người khác. Khi chúng tôi tiếp xúc, họ nói e ngại khi nhận “danh hiệu” này, băn khoăn và tự mình muốn vươn lên”, ông Đào Ngọc Dung trao đổi.

Về việc tách hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, Bộ trưởng cho biết đã triển khai cùng Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí khi tách, để họ có cuộc sống tốt hơn, chí ít không thấp hơn hộ nghèo.

Đề cập hỗ trợ nhà ở, ông Dung thông tin, theo Quyết định 90 và Nghị quyết 24 của Quốc hội, phấn đấu nhiệm kỳ này xoá khoảng 100.000 căn nhà dột nát ở 74 huyện nghèo với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ của Trung ương, các địa phương đối ứng 10-30%, sự hỗ trợ của tổ chức, các mạnh thường quân, các hộ chủ động vươn lên. Mỗi căn xây mới là 70 triệu đồng, còn sửa chữa là 30 triệu đồng.

Đánh giá chung, Bộ trưởng cho biết việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt. Tuy nhiên, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn hơn, nhưng cả 3 chương trình này có một số vấn đề.

Thứ nhất, đã, đang phải ban hành quá nhiều văn bản. Bình quân một chương trình 60-70 văn bản, "rừng" văn bản đó dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành, vì thực hiện quy định của pháp luật. Không thể không ban hành được. Thời gian qua, đối với chương trình dân tộc miền núi còn khó khăn hơn.

Hơn nữa, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, chưa đến nơi, đến chốn. Dưới thì chờ trên, trên thì bảo dưới cứ làm đi, nhưng dưới sợ. Điều này dẫn đến hiện tượng các thông tư của Bộ đã ban hành rồi, nhưng dưới lại đề nghị tiếp, "hướng dẫn của hướng dẫn". Chúng tôi kiểm tra xem hay mình hướng dẫn chưa đến nơi, đến chốn hay không rõ, nhưng không phải vậy.

Thứ ba, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải quá nhiều. Riêng chương trình giảm nghèo trên 1.000 dự án nhỏ khác nhau và các dự án này trung ương giao vốn chi tiết đến từng dự án, cho nên việc triển khai chậm, khó khăn, khi phát hiện ra những điều không phù hợp cũng không được tự mình điều chỉnh nếu không báo cáo cấp trên có thẩm quyền.

Thứ tư, mục tiêu đặt ra cao, nhưng vốn thì ít, trong khi đó, lại yêu cầu địa phương đối ứng vốn càng khó khăn hơn. Việc giao vốn đã chậm rồi, nhỏ giọt, về địa phương tiếp tục chậm, thành thử dồn vào 4-5 nguyên nhân. Khâu tổ chức, thực hiện cũng có vấn đề.

Để triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù, nhưng theo ông Dung, trước mắt trong Nghị quyết về giám sát kỳ này, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau.

"Bởi vì đây là những điều theo luật nên phải Quốc hội quyết định. Chỉ có như vậy, mới tiến hành nhanh được. Trước mắt, tôi đề nghị Quốc hội cho phép mỗi tỉnh chọn một, hai huyện làm thí điểm. Huyện quyết định toàn vẹn, tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát, trung ương kiểm tra mục tiêu, thanh tra, kiểm tra, tổng kết chương trình", Bộ trưởng báo cáo Quốc hội. 

Giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư vốn các chương trình mục tiêu quốc gia
Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư vốn nguồn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư