Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sản phẩm OCOP phải kể được câu chuyện cảm xúc để lôi cuốn khách hàng
Hạnh Phúc - 09/09/2022 18:26
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn kháng hàng.

Đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Có câu kết luận rất hay rằng, thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng khắp thế giới lựa chọn (Ảnh: Minh Phúc)

Tại hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vào sáng 9/9, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, tính đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Theo đó, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. 

Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

“Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch”, ông Sơn nói.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 (Ảnh: Minh Phúc).

Cũng theo Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, điểm nổi bật của Chương trình OCOP là đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động phát triển được những nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các tỉnh, thành trên cả nước đã đánh giá, công nhận được tổng số 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP và căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP, ông Sơn cho hay giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NNPTNT triển khai chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; phát triển thị trường…

Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng. Đồng thời, chú trọng và nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. 

Điểm nhấn là tập trung xây dựng để hình thành các “Điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistics về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. 

Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.

Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…

Hình thành không gian quảng bá sản phẩm OCOP của quốc gia 

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh này chỉ có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, số lượng OCOP 3 sao và 4 sao cũng không nhiều bằng các địa phương khác. Tuy vậy, các sản phẩm OCOP đã góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.

Chia sẻ về kinh nghiệm, ông Công cho biết Sơn La rất mạnh dạn trong triển khai quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, tổ chức liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (giữa) và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (ngoài cùng bên phải) trao Quyết định của Bộ NN&PTNT vê công nhận sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020 cho các chủ thể OCOP. (Ảnh: Minh Phúc).

Thời gian qua, Sơn La đưa sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia triển lãm quốc tế tại thành phố Milan (Italia), tham gia các hội chợ của Trung Quốc, Thái Lan và thị trường trong nước. Đặc biệt, tỉnh Sơn La thường xuyên phối hợp với các đại sứ quán trong việc kết nối thị trường tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm của Sơn La sang Ấn Độ. Rất nhiều sản phẩm mới đã góp phần thay đổi diện mạo cho địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Sơn La cho rằng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ. Nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất không có đủ tiềm lực đầu tư để phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP; chất lượng sản phẩm chưa được đánh giá đồng đều.

Nếu không có sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và tỉnh Sơn La đầu tư thiết bị chế biến cà phê thì sản phẩm cà phê bột nguyên chất của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao rất khó đạt 5 sao.

Bởi vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng bộ tiêu chí quốc gia cho sản phẩm OCOP từ 3 sao, 4 sao và 5 sao. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Có câu kết luận rất hay rằng, thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng khắp thế giới lựa chọn. Ở nước ta, mật ong có từ Hà Giang đến Cà Mau; tưởng rằng trà hoa vàng chỉ có ở Quảng Ninh, ai ngờ Bắc Kạn cũng nhận đó là đặc sản của địa phương. Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng”.

Ở nước ta, quả măng cụt chủ yếu được bán tươi. Tuy nhiên, ông Hoan chia sẻ cho các đại biểu tham gia hội nghị hình ảnh bộ sản phẩm rất đa dạng được chế biến từ quả măng cụt ở Thái Lan gồm: măng cụt sấy; nước ép măng cụt; nước măng cụt lên men; viên nén bổ sung chất chống ô-xi hóa từ vỏ măng cụt; sirum chiết xuất từ quả măng cụt dành cho mỹ phẩm.

Không những thế, từ quả xoài, người Thái Lan đã tạo ra những sản phẩm xoài sấy dẻo và tạo tác thành những bông hoa, đựng trong hộp bảo quản trong suốt để đưa vào các nhà hàng, khách sạn cho thực khách thưởng thức cùng nước trà, cà phê… Từ những góc tiếp cận và cách làm sáng tạo ấy, người Thái có thể nâng giá trị sản phẩm cao gấp 10 lần so với những sản phẩm thông thường.

“Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để có 10 đồng, chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán 1 sản phẩm với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị mỗi tỉnh, thành cần quan tâm, xây dựng các không gian để quảng bá sản phẩm OCOP tại các vị trí đắc địa, các khách sạn, nhà hàng, nơi có nhiều người qua lại. Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để hình thành không gian quảng bá sản phẩm OCOP của quốc gia để người dân và du khách quốc tế được biết và trải nghiệm các sản phẩm OCOP.

Hà Nội kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2022 là “điểm hẹn” để nhà cung cấp của Hà Nội và các địa phương giới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư