Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bốn nhóm yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số logistics
Trần Chí Dũng* - 16/11/2023 10:48
 
Chuyển đổi số để phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, song cả hai vấn đề chuyển đổi số và phát triển bền vững đều còn khá mới đối với nhận thức và năng lực thực thi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
chuyển đổi số trong ngành logistics là xu hướng tất yếu, song doanh nghiệp còn thiếu nguồn lực để thực hiện
Chuyển đổi số trong ngành logistics là xu hướng tất yếu, song doanh nghiệp còn thiếu nguồn lực để thực hiện.

Bắt nhịp

Theo pháp luật Việt Nam, dịch vụ logistics chia làm 17 nhóm. Tại mỗi nhóm dịch vụ, chuyển đổi số có các đặc điểm và cấp độ thực hiện khác nhau.

Ví dụ, dịch vụ xếp dỡ, chủ yếu tập trung ở các cảng biển và hệ thống cảng cạn, ICD. Nhiều cảng của chúng ta đã phát triển rất mạnh trong thời gian qua, hệ thống công nghệ tại các cảng đã phát triển chuyên nghiệp, hệ thống thông tin, điều độ khai thác (TOS) đã được tự động hóa cao, ước tính khoảng 80% tại các cảng lớn. Tuy nhiên, thiết bị xếp dỡ còn chạy bán tự động và thủ công theo lệnh, nhất là tại các cảng nhỏ và ICD.

Thách thức kế tiếp là các ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất mỗi cảng và đặc biệt là sự kết nối giữa các cảng với nhau, giữa cảng với hãng tàu và các nhà vận tải khác như sà lan và đường bộ, đường sắt, tạo nên chuỗi dịch vụ tích hợp.

Dịch vụ kho bãi container, bao gồm các bãi container lớn tại cảng, các trung tâm logistics và các cảng cạn, nhìn chung đều được số hóa và ứng dụng hệ thống quản lý. Tuy vậy, mức độ hiện đại của các hệ thống rất khác nhau, dẫn tới không đồng đều giữa các hệ thống tiên tiến ở cảng lớn, gần như tự động hóa toàn bộ, với các bãi container nhỏ quản lý thủ công.

Các doanh nghiệp logistics không cần được tài trợ, mà cần được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng cơ chế, nghiên cứu khả thi và hoạch định nguồn lực để đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao thực hiện các giải pháp công nghệ logistics như các giải pháp phát triển hạ tầng, công nghệ cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ logistics. Đặc biệt cần thiết là các cơ chế chính sách phát triển để đồng hành và kết nối số với các chuỗi cung ứng số toàn cầu, các mô hình kinh tế mới, sáng tạo và bền vững hơn.

Dịch vụ vận tải hàng hóa đường biển được cung cấp bởi những hãng tàu lớn và chuyên nghiệp, đã có hệ thống quản lý toàn cầu. Hiện nay, xu hướng cắt bỏ trung gian rất phổ biến, các hãng tàu đang chuyển dần sang tự động hóa khâu phân phối bán cước và tích hợp dịch vụ xuyên suốt chuỗi cung ứng, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Họ đang nỗ lực chuyển mình thành công ty quản lý chuỗi cung ứng và thực sự có các điều kiện thực hiện tham vọng này do có lợi nhuận cao (hàng chục tỷ USD) trong vài năm qua và đang vận hành số lượng hàng hóa khổng lồ trên toàn cầu. Hiện trạng này tạo áp lực lớn lên các nhà vận tải biển Việt Nam có quy mô nhỏ.

Dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa được cung cấp bởi các công ty vận tải nội địa, trong đó một số đã trở nên chuyên nghiệp. Họ có một số công nghệ quản lý vận tải cơ bản, song độ kết nối với các hệ thống khác chưa cao.

Dịch vụ vận tải hàng hóa đường sắt được cung cấp rất hạn chế bởi một vài công ty dịch vụ vận tải trong nước, công nghệ và thiết bị rất lạc hậu. Đây là tồn tại nhiều năm.

Dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ được cung cấp bởi các công ty vận tải nội địa, đại đa số là các công ty xe tải, hợp tác xã vận tải, xe cá nhân. Trong đó, một số ít đã được tổ chức quản lý khá chuyên nghiệp. Ngoài các thiết bị, hệ thống bắt buộc áp dụng như định vị vệ tinh (GPS), thì các hệ thống quản lý vận tải (TMS) cơ bản chưa được phổ biến, trong khi nhóm dịch vụ này chiếm tỷ trọng tới 75% tổng sản lượng vận chuyển.

Dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không được cung cấp bởi các hãng vận tải hàng không trong và ngoài nước đang vận hành tại Việt Nam. Công nghệ áp dụng của các hãng này có độ chuẩn mực cao do luôn phải tuân thủ thông lệ quốc tế. Cũng như các hãng tàu, hiện nay xu hướng cắt bỏ trung gian là rất phổ biến. 

Dịch vụ vận tải đa phương thức, có thể được cung cấp bởi các nhà vận tải thực tế hay các công ty vận tải không có phương tiện. Do mô hình này đã phát triển từ rất lâu trên thế giới nên công nghệ và hệ thống quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS) không còn xa lạ với các nhà cung cấp chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, Việt Nam chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ sử dụng các hệ thống công nghệ tiêu chuẩn thế giới, thường do lo ngại về chi phí.

Những động lực thúc đẩy

Trong khu vực ASEAN, Singapore đang dẫn đầu về chuyển đổi số dịch vụ logistics. Việt Nam có trình độ công nghệ ứng dụng không cách xa lắm với Malaysia, Thái Lan, chúng ta tự tin trước các đồng nghiệp Indonesia, Philippines.

Hiệu quả áp dụng tại các công ty lớn hiện rất tốt. Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 nêu: Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics đã được chứng minh trong thực tế. Điển hình như Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau khi áp dụng thành công các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến, đã kéo giảm 55% thời gian tàu nằm bến; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa; giảm 60% vụ việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông. Sản phẩm cảng điện tử ePort là một trong những đề án thành công, qua đó, giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút, thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/cont, giúp tăng sản lượng giao nhận cổng từ 11.000 lên 19.000-20.000 lượt xe/ngày. Tương tự, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đang xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình. 

Công ty cổ phần Logistics U&I đã ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống quản lý nghiệp vụ theo nhu cầu đặc thù của khách như quản lý kho, quản lý quan hệ khách hàng và phân tích thông minh...

Dù vậy, chuyển đổi số logistics vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức. Trước hết, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính còn yếu. Trung bình quá trình chuyển đổi số toàn bộ doanh nghiệp có tổng chi phí từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng, chưa phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu các doanh nghiệp quyết định đầu tư tự động hóa như mô hình nước ngoài thì tốn chi phí đầu tư ban đầu, còn nếu làm theo mô hình nội bộ thì sẽ tốn chi phí nhân lực công nghệ thông tin, mất nhiều thời gian. Thêm nữa, họ cũng rất khó tìm được giải pháp phù hợp do hạn chế về kiến thức và thông tin.

Các doanh nghiệp cung cấp logistics tiến hành chuyển đổi số sẽ vô cùng khó khăn nếu không có sự hỗ trợ nghiên cứu phát triển và đầu tư công nghệ của Nhà nước hay các tổ chức tài chính, tín dụng. Ở đây cũng phải nói tới hạn chế của các nhà cung cấp giải pháp, bao gồm cả các trường, viện. Chúng ta có nhiều kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ, có các tập đoàn công nghệ, nhưng lại quá ít nhà cung cấp giải pháp thuyết phục. Hạn chế lớn nhất là hầu hết công ty chỉ cung cấp các giải pháp đơn lẻ, chưa kết nối được thành một nền tảng số cho ngành dịch vụ logistics quốc gia. Nhìn chung, kỹ năng số logistics còn thiếu nhiều trong lực lượng lao động. Tốc độ phổ biến giải pháp cho đa số nhà cung cấp dịch vụ còn rất chậm so với yêu cầu.

Khảo sát của VLA cho thấy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hiện vẫn gặp không ít khó khăn như thiếu tính kết nối trong hệ thống, thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu hạ tầng công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. Khó khăn về  chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số, khó khăn về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, chất lượng dịch vụ không cao. Ngoài ra, hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mình.

Các yếu tố cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số logistics trong thời gian tới, xét theo mô hình hệ thống logistics quốc gia, có thể thấy 4 nhóm yếu tố:

Một là, về cơ chế chính sách: Việt Nam có rất nhiều chính sách, nghị quyết, chương trình…, nhưng đa số nằm trên giấy, tốc độ và hiệu quả triển khai còn rất hạn chế. Điển hình, có thể thấy qua việc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam dù tham gia xây dựng chính sách rất tích cực và liên tục từ năm 2016 tới nay, với nhiều kế hoạch hành động, từ Trung ương tới địa phương, trong tất cả các mặt liên quan của ngành, bao gồm chuyển đổi số, phát triển bền vững, nhưng Hiệp hội cũng như hội viên chưa được hưởng một cơ chế, chính sách hỗ trợ thực tế nào.

Hai là, về hạ tầng hỗ trợ chuyển đổi số: song song với các quy hoạch tích hợp, cần xem xét lại và xây dựng mới các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng như kho dữ liệu dùng chung, các bản đồ số, hạ tầng thông tin logistics; ứng dụng chuỗi cung ứng số; phát triển hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ vận tải xanh, quá trình chuyển đổi năng lượng, nhiên liệu sử dụng… Hỗ trợ phát triển các nền tảng ứng dụng trong thương mại - vận tải - tài chính và đặc biệt là tích hợp cả 3 nhóm đó.

Ba là, chuyển đổi số cho các nhà cung cấp dịch vụ: Phát triển các nhà đầu tư hạ tầng thông tin, cung cấp đa dạng dịch vụ IaaS, PaaS, SaaS, hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ logistics của 17 nhóm trở nên chuyên nghiệp hóa dù họ hoạt động dưới mô hình nào (2PL, 3PL, LLP, hay mới hơn nữa).

Bốn là, chuyển đổi số logistics tại các nhóm người sử dụng dịch vụ: là điều kiện cần, đó là các ứng dụng trong mua hàng, sản xuất, quản lý kho hàng và dự trữ, quản lý phân phối, giao hàng, dịch vụ khách hàng và ứng dụng trong mọi ngành nghề, mọi quy mô doanh nghiệp. Đặc biệt là, nhân lực sản xuất kỹ thuật số và thương mại số, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần hiểu biết sâu sắc về cuộc cách mạng chuyển đổi mô hình cung ứng, từ chuỗi cung ứng sang mạng cung ứng số, để có thể chuyển đổi thành công và tận dụng cơ hội tăng trưởng nhanh.n

*Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA)                

Việt Nam trong xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư