Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Bước chuyển quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc
Khánh An - 14/09/2013 08:45
 
Chuyển từ nâng cao hiệu quả viện trợ sang nâng cao hiệu quả hợp tác là đề xuất của các chuyên gia Hàn Quốc cho tầm nhìn hợp tác phát triển của hai quốc gia trong thời gian tới. >>> Tuyên bố chung Việt - Hàn vì sự thịnh vượng chung >>> Du lịch Hàn Quốc chào hàng thị trường phía Nam

Rất khác với nhiều hội nghị liên quan tới nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, mối quan tâm lớn nhất của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này của cả Việt Nam và Hàn Quốc tại Hội thảo quốc tế về Hợp tác và Phát triển Việt Nam - Hàn Quốc không phải là những con số, giá trị các cam kết của các đối tác dành cho Việt Nam hay số lượng các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn này.

Tính chủ động và mối quan hệ đối tác là động lực hiện thực hóa các cam kết một cách hiệu quả nhất. (Ảnh: Hà Thanh)

Trao đổi với các đồng sự Việt Nam khi nhìn lại chặng đường 20 năm Việt Nam trở thành đối tác nhận tài trợ, ông Kim In, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Văn phòng tại Việt Nam, cho rằng, đã đến lúc, mối quan tâm cần phải được chuyển từ nâng cao hiệu quả viện trợ sang nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển.

“Một số nhà tài trợ đang giảm dần các cam kết với Việt Nam. Một số khác đang thay đổi cách thức tài trợ với cơ chế kém ưu đãi hơn. Đây là thời điểm Việt Nam phải thay đổi phương pháp, quan điểm về tiếp nhận các hình thức hỗ trợ”, ông Kim In thẳng thắn chia sẻ quan điểm khi nhấn mạnh vị trí của Việt Nam là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Bối cảnh mới của kinh tế Việt Nam cũng là nội dung được bàn luận nhiều, nhất là những thách thức mà nền kinh tế đang trong giai đoạn tái cơ cấu như Việt Nam phải đối mặt.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ hội và thách thức đan xen, nhất là khi mục tiêu tránh bẫy thu nhập trung bình đang nổi lên là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn 2011 - 2015, trước khi vươn tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. “Xây dựng mối quan hệ với các đối tác phát triển bền vững và lâu dài là mong muốn của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Phương nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Jun Dae Joo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này, khi các nguồn lực, phương thức phát triển rất đa dạng, thì hiệu quả trong quan hệ đối tác, hợp tác phát triển đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là việc thực hiện những cam kết quyết liệt trong cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại, đầu tư công, các yếu tố then chốt quyết định tương lai của Việt Nam”.

Cụ thể hơn, trong 4 bài học kinh nghiệm tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA mà các chuyên gia đúc rút được (bao gồm coi ODA là chất xúc tác để thu hút các nguồn lực khác, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, xây dựng mối quan hệ ổn định và dài hạn với các nhà tài trợ và tính chủ động cao trong các chương trình công tác), ông Kim In cho rằng, tính chủ động và mối quan hệ đối tác là động lực hiện thực hóa các cam kết một cách hiệu quả nhất.

Đây cũng là lý do ông Akira Shimizu, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Văn phòng tại Việt Nam muốn tham gia chia sẻ kinh nghiệm khi nhắc tới mục tiêu hỗ trợ của phía Nhật Bản với Việt Nam trong thời gian tới. “Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp, cải cách pháp lý, bảo vệ môi trường…”, ông Akira Shimizu nói và cho rằng, các mối quan tâm trong kế hoạch hợp tác phát triển với Việt Nam được xây dựng trên cơ sở cân đối giữa mục tiêu của hai bên.

Ông Hồ Quang Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyên gia về ODA cho rằng, Việt Nam không phải là quốc gia phụ thuộc lớn vào ODA, song tác động của ODA trong nền kinh tế rất lớn, nhất là hỗ trợ Việt Nam thích ứng với sự thay đổi của thế giới trong giai đoạn tới. “Việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA chỉ đạt được khi có sự tham gia của các bên hưởng lợi, các đối tác và sự chỉ đạo nhất quan trọng sử dụng nguồn lực có tính xúc tác quan trọng này”, ông Minh đề xuất.

Hiện Việt Nam được sự ủng hộ của 51 nhà tài trợ, trong đó 28 nhà tài trợ song phương, 23 nhà tài trợ đa phương. Với khoảng 78 tỷ USD được cam kết trong giai đoạn 1993-2012, vốn giải ngân mới trong giai đoạn này chỉ khoảng 37 tỷ USD. Trong giai đoạn 2004 - 2012, vốn ODA đã chiếm khoảng 3,3% GDP.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư