Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Bước ngoặt lớn trong công tác lập kế hoạch
Hà Nguyễn - 08/08/2014 07:09
 
() Lần đầu tiên, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016 - 2020 được xây dựng đồng thời, tạo sự đổi mới căn bản trong công tác lập kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả một giai đoạn 5 năm. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững
Trao phần thưởng cao quý cho cán bộ Bộ KH&ĐT

Bước ngoặt lớn trong công tác lập kế hoạch

Một cách thẳng thắn, khi phát biểu tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), chính thức khai mạc ngày hôm qua (7/8) và vẫn đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã nhắc tới một thông lệ quốc tế, “không hề mới”, đang được sử dụng ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, nhưng lại là mới, thậm chí rất mới ở Việt Nam, đó là việc xây dựng các kế hoạch đầu tư trung hạn cho cả giai đoạn 5 năm.

   
  Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn là nhằm đảm bảo tính chất căn cơ, lâu dài của đầu tư công  

Lần đầu tiên, Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016 - 2020 chính thức được Thủ tướng Chính phủ chỉ thị xây dựng và Bộ KH&ĐT, ngày hôm qua, đã phổ biến tới toàn ngành các nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng kế hoạch này.

“Đó là một bước tiến mới để đưa công tác đầu tư phát triển của đất nước vào nề nếp, quy củ hơn. Trước đây, chúng ta làm kế hoạch hàng năm một cách manh mún, nay là 5 năm, đồng thời gắn chặt với việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và một lần nữa nhắc tới một việc sau 7 năm chuẩn bị, Luật Đầu tư công mới đây đã chính thức được Quốc hội thông qua, tạo một sự thay đổi căn bản, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của đầu tư công.

“Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn là nhằm đảm bảo tính chất căn cơ, lâu dài của đầu tư công, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế, đảm bảo tính công khai minh bạch, hạn chế việc xin - cho, góp phần giảm thiểu tiêu cực trong đầu tư công; đồng thời, giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động phân bổ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, chậm tiến độ như bao lâu nay”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đã một lần nữa nhấn mạnh như vậy khi quán triệt tới toàn ngành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016 - 2020.

 

Tôi hoan nghênh ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị ngành vào thời điểm này để triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020; triển khai các nội dung Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu. Đây đều là những nội dung hết sức quan trọng và có nhiều điểm đổi mới.
Chúng ta xây dựng kế hoạch 5 năm vào lúc này là chủ động và cần thiết, dù bây giờ mới là tháng 8/2014. Việc xây dựng kế hoạch 5 năm phải căn cứ vào Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, các quyết nghị của Trung ương...; căn cứ vào việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015, mà kết quả đó phải được đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan và toàn diện, không tô hồng, không bôi đen nhưng những hạn chế, yếu kém phải được chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, để chúng ta xây dựng kế hoạch cho sát.
Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

 
     

Trên thực tế, việc xây dựng các kế hoạch đầu tư trung hạn đã được bắt đầu từ sau Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2014 - 2015, Kế hoạch Đầu tư vốn trái phiếu chính phủ trung hạn giai đoạn 2012 - 2015, Kế hoạch Vốn trái phiếu chính phủ bổ sung cho giai đoạn 2014 - 2016 cũng đã được thiết lập và đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Bước ngoặt lớn đã được bắt đầu từ đó. Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân khi phát biểu tại Hội nghị cũng đã đánh giá cao điều này. “Bắt đầu từ Chỉ thị 1792, các vấn đề đầu tư phát triển đã được nhìn nhận trên một tư duy đổi mới và tôi thực sự đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&ĐT. Từ khi thực hiện chỉ thị này, chúng ta đã biết được một dự án sẽ được bố trí bao nhiêu vốn và tập trung để đẩy nhanh tiến độ các dự án cần thiết. Không thể để tình trạng cứ phê duyệt dự án trước rồi mới lo nguồn sau, khiến nhiều dự án bị dang dở”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dù đã góp phần rất lớn trong việc tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương chủ động trong quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, song các kế hoạch đầu tư trung hạn nêu trên mới được xây dựng lần đầu, chưa bao quát cho toàn bộ giai đoạn 5 năm để gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chưa được xây dựng trên cơ sở hệ thống pháp luật đầu tư công hoàn chỉnh.

“Vì thế, Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016 - 2020 mà chúng ta xây dựng lần này có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020”, Bộ trưởng nói.

Gắn kết hai kế hoạch 5 năm

Không chỉ riêng việc xây dựng Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016 - 2020 là một bước đột phá mới, mà sự gắn kết giữa bản kế hoạch này và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, mới chính là yếu tố nền tảng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dù chưa thành hình, song phác thảo đầu tiên về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của kế hoạch này là đảm bảo cho nền kinh tế có một tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước: 6,5 - 7%, thay vì 5,8% như kết quả đạt được của giai đoạn 2011 - 2015.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu mục tiêu này có khả thi? Và nguồn lực đâu để thực hiện Kế hoạch, trong khi những thách thức đối với nền kinh tế vẫn còn rất lớn?

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cũng đã nhắc tới những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt khi xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, các cân đối lớn chưa bền vững; sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2016 thấp hơn 5 năm trước và không đạt chỉ tiêu đề ra; tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm…

“Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải đảm bảo tính khả thi, gắn kết với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhìn từ nguồn lực, Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định, để Kế hoạch Đầu tư trung hạn có tính khả thi, cần phải tính đến nhu cầu và khả năng huy động, cân đối các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo phù hợp với khả năng nguồn vốn ngân sách, các nguồn vốn đầu tư công khác…

Những giới hạn cũng đã được Thứ trưởng Đào Quang Thu đưa ra, đó là trong bối cảnh nguồn lực có hạn, thì riêng nguồn vốn ngân sách Trung ương, khả năng sắp tới vẫn còn tiếp tục khó khăn, nên trước mắt, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ tính toán trong điều kiện tăng khoảng 10%/năm. Hay với trái phiếu chính phủ, hiện chưa có chủ trương phát hành mới, nên các đơn vị tính toán trong phạm vi nguồn vốn đã thông báo… Như vậy, những mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư cho phát triển và khả năng cân đối nguồn lực lại một lần nữa được đặt ra, nhất là khi theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, ngân sách quốc gia đang đối mặt với ba áp lực lớn: chi cho đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội và trả nợ vay.

“Nhu cầu cao mà khả năng lại bị trói buộc. Do vậy, để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó có mục tiêu thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Chiến lược 2011 - 2020 đã đặt ra, thì phải làm sao huy động được mọi nguồn lực, cả trong và ngoài nước, để đầu tư cho phát triển”, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nói như vậy và nhắc đến việc sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách, như các quy định về hình thức hợp tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong khi đó, Thứ trưởng Đào Quang Thu nhấn mạnh việc xây dựng Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016 - 2020, dù phải tính tới khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn, song vẫn phải đảm bảo tính tích cực của bản kế hoạch.

“Phải có các giải pháp, cơ chế cụ thể huy động các nguồn lực có thể của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Đào Quang Thu nói.

Lường trước khó khăn, chủ động trong việc xây dựng và triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như Kế hoạch Đầu tư trung hạn, chính là cách mà theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sẽ giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Tạo đột phá bằng thay đổi tư duy

Những đổi mới trong công tác lập kế hoạch là điều dễ nhận thấy nhất tại Hội nghị toàn quốc ngành KH&ĐT lần này. Và đây chính là một đòi hỏi tự thân không chỉ đối với riêng ngành KH&ĐT, mà còn đối với toàn nền kinh tế.

“Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Muốn không gặp phải rủi ro sập bẫy thu nhập trung bình, muốn tự chủ trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, với cơ hội và thách thức đan xen, thì không có cách nào khác, chúng ta phải thay đổi về tư duy và nhận thức, thay đổi hành động để có thể phát triển mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Thông điệp trên đã được gửi tới toàn ngành KH&ĐT ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị ngành. Và thông điệp này của Bộ trưởng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị, đặc biệt là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Ủng hộ việc thay đổi căn bản công tác lập kế hoạch, nhất là kế hoạch đầu tư trung hạn, ông Nguyễn Thế Thảo thậm chí còn nhắc đến việc cần phải đổi mới tư duy trong đầu tư phát triển, trong điều hành đất nước. Theo ông Thảo, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn chỉ là một vấn đề, ngay cả kế hoạch tài chính cũng cần được xây dựng theo trung hạn 5 năm để đảm bảo đất nước có một nền kinh tế tự chủ.

Ông Thảo, cũng như ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, hai địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước, cũng chính là những người ủng hộ và đưa ra các cam kết về việc sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ KH&ĐT trong xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2016 - 2020.

Thủ tướng: Đánh giá KTXH 5 năm không Thủ tướng: Đánh giá KTXH 5 năm không "tô hồng", "bôi đen"

() Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn là một bước đột phá mới. Và một khi đã đầu tư trung hạn, thì kế hoạch ngân sách cũng phải trung hạn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư