Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Cả nước mới có 5 DN nông nghiệp công nghệ cao
T.Liên - 26/08/2013 12:17
 
Thiếu nhân lực, thiếu quỹ đất, thủ tục hành chính phiền hà… là những lý do khiến đến nay, cả nước mới có 5 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp công nghệ cao được thành lập dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát huy vai trò của DN trong xây dựng nông thôn mới vào cuối tuần qua, ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp khẳng định: “Đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, vốn đầu tư lớn và thu hồi chậm.

   
  Đến nay, cả nước mới có 5 DN nông nghiệp công nghệ cao  

Vì vậy, nhiều DN không muốn đầu tư vào khu vực này. Cách duy nhất để thay đổi lối tư duy cũ trên và thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu của Việt Nam là phải đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”.

Theo PGS - TS. Nguyễn Tấn Hinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến thời điểm này, cả nước mới có 5 DN nông nghiệp công nghệ cao (gồm Tập đoàn TH và 4 DN kinh doanh hoa tại Lâm Đồng) được Bộ công nhận.

Dù vậy, các DN này đã chứng tỏ sự thành công của việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Đơn cử, Tập đoàn TH, tuy là DN “sinh sau, đẻ muộn” trên thị trường sữa, song với dự án 1,2 tỷ USD, đến nay, TH đã “phủ sóng” trên toàn quốc, với thị phần tăng chóng mặt. Mới đây, tập đoàn này đã đưa vào vận hành nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, với công suất 500 triệu lít/năm.

“Sau gần 2 năm hoạt động, TH hiện là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam. Dự kiến, năm 2015, Tập đoàn sẽ đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường Việt Nam nhờ tự chủ về nguyên liệu. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao mà thu nhập bình quân/ha đất đã tăng từ 70 triệu đồng lên 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm”, ông Dũng đánh giá.

Mô hình của CTCP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt cũng được Hiệp hội DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đánh giá rất cao. Nhờ công nghệ nhân giống In-vitro, năng suất sản xuất cây giống của Công ty đã tăng từ 300.000 cây/năm lên 24 triệu cây/năm.

Không những thế, công ty này đã áp dụng thành công công nghệ sản xuất hoa tươi mãi mãi. Nhờ công nghệ này, sản phẩm hoa tươi của Công ty giữ nguyên hình dáng, màu sắc trong 8 - 10 năm. Nhờ những công nghệ này, Công ty đã xuất khẩu gần chục triệu cành hoa và cây giống sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Đan Mạch, Bỉ…

Câu hỏi đặt ra là, tại sao mô hình hiệu quả, nhưng vẫn rất ít DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao? Theo nhận định của nhiều DN, vốn lớn, điều kiện khắt khe, thủ tục phiền hà, cơ chế ưu đãi thiếu rõ ràng, trong khi nhân lực không có, đất sạch thiếu… là những lý do khiến DN ngại đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt cho biết, theo quy định, DN công nghệ cao được ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị. Tuy nhiên, để được công nhận là DN công nghệ cao, thì trước đó, DN phải nhập khẩu trang thiết bị để sản xuất. Chính vì sự mâu thuẫn này mà nhiều DN không được hưởng thuế ưu đãi.

Ông Ngô Tiến Dũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách đặc thù để khích lệ DN đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành; phải có các chính sách ưu đãi về thuế quan, các thủ tục pháp lý phù hợp hơn với thực tế...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư