Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Các giải pháp quản lý lưới điện nhằm vận hành tối ưu nguồn năng lượng tái tạo
Minh Hải - 27/08/2021 07:58
 
Việt Nam cần thực hiện các nhóm giải pháp chính mang tính hoạch định và vận hành hệ thống điện để vận hành tối ưu công suất và tận dụng tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo.

Đây là nội dung chính của buổi hội thảo trực tuyến tổng kết “Các giải pháp quản lý lưới điện nhằm hỗ trợ vận hành tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện” diễn ra ngày 26/8/2021 tại Hà Nội. Hội thảo do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cục Điều tiết Điện lực/Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo là đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các chuyên gia của các Hội Điện lực, Năng lượng Việt Nam, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia, tư vấn trong nước và quốc tế.

Các đại biểu, diễn giả tham dự Hội thảo trực tuyến

Ông Markus Bissel, Giám đốc Dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (SGREEE), Tổ chức GIZ - cho biết “Các giải pháp được trình bày sẽ góp phần giúp Việt Nam tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn, sử dụng hiệu quả và tối ưu hạ tầng lưới điện nhằm hấp thụ tối đa các nguồn năng lượng sạch, qua đó hạn chế việc giới hạn công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo. Nhờ đó, Việt Nam vừa thúc đẩy được sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo vừa đảm bảo nguồn cung cấp điện tin cậy và ổn định, hướng đến phát triển năng lượng bền vững.”

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các phần trình bày về phân tích hệ thống điện và đánh giá hiện trạng quản lý lưới điện tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế thành công ở các nước được lựa chọn có các đặc điểm tương đồng với Việt Nam (như quy mô công suất đặt của hệ thống điện, tỷ trọng công suất đặt của các nguồn năng lượng tái tạo, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, chỉ số GDP và các chỉ số đặc trưng khác).

Từ đó, nhóm tư vấn quốc tế và trong nước do GIZ điều phối đã đề xuất 2 nhóm giải pháp chính. Một là nhóm giải pháp mang tính hoạch định, trong đó, đề xuất quan trọng nhất là ban hành cơ chế giá FIT hợp lý được thay đổi theo vùng, thời gian hoặc nhu cầu phụ tải để hạn chế việc đầu tư năng lượng tái tạo quá tập trung chỉ vào một vài vùng nhất định. Hai là nhóm giải pháp về vận hành hệ thống điện gồm các đề xuất về lưới điện, thị trường điện và kiểm soát nguồn năng lượng tái tạo được phát vào lưới điện.  

Trong thời gian gần đây, các dự án điện năng lượng tái tạo phát triển nhanh tại Việt Nam sau khi Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, như về năng lượng mặt trời trong Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và về năng lượng gió trong Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án này chỉ phân bổ tập trung tại một số khu vực có tiềm năng lớn bức xạ mặt trời và gió trong khi hạ tầng lưới điện để giải toả công suất nguồn điện không đủ để đáp ứng đồng bộ. Cùng với đó, sự chênh lệch lớn giữa nhu cầu phụ tải cao điểm và thấp điểm dẫn đến sự không ổn định của hệ thống lưới điện, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các khu vực này. Các dự án phải hạn chế sản lượng điện phát, ảnh hưởng tới doanh thu và lãng phí nguồn đầu tư. Do vậy, các giải pháp được đưa ra tại hội thảo sẽ góp phần giải quyết các vấn đề trên.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật song phương “Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng” (SGREEE), do Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam và Tổ chức GIZ (dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ)) phối hợp thực hiện.

Để biết thêm thông tin về Dự án SGREEE và tham gia Cộng đồng Lưới điện Thông minh Việt Nam, vui lòng truy cập Trung tâm Chia sẻ Kiến thức về Lưới điện Thông minh Việt Nam tại https://smart-grid.vn/ hoặc trang web của Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ https://bit.ly/302MFNe.
Hơn 830 tỷ đồng xây dựng hầm chui; đề xuất bổ sung nhiều dự án lưới điện
Long An thu hút thêm 26 dự án FDI mới trong quý I/2020; TP.HCM: Đầu tư hơn 830 tỷ đồng xây dựng hầm chui nút giao thông phía Nam Sài Gòn; Phú Yên đề xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư