Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Các ngân hàng trung ương vẫn tích cực "ôm" vàng
Đông Phong - 15/10/2024 11:33
 
Các ngân hàng trung ương vẫn tích cực mua vàng để đa dạng hóa dự trữ vì lý do tài chính hoặc chiến lược, đại diện của 3 ngân hàng trung ương phát biểu tại hội nghị thường niên của Sàn Giao dịch vàng London (LBMA) vào ngày 14/10.
Vàng đã tăng giá 28% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: AFP
Vàng tăng giá 28% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: AFP

Nhu cầu tăng cao từ các ngân hàng trung ương đã thúc đẩy giá vàng - một loại tài sản không sinh lời - trong bối cảnh lãi suất toàn cầu neo cao trong giai đoạn 2022-2023. Tốc độ tăng giá sau đó chững lại và từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng giá 28%. Tháng 9/2024 đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiềm chế mua vàng.

Bất chấp đà tăng giá vàng, đại diện các ngân hàng trung ương của Cộng hòa Séc, Mông Cổ và Mexico phát biểu tại hội nghị thường niên của Sàn Giao dịch vàng London (LBMA) rằng, việc dự trữ vàng vẫn quan trọng đối với họ, mặc dù mỗi ngân hàng đều có lý do riêng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Enkhjin Atarbaatar, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường tài chính thuộc Ngân hàng Trung ương Mông Cổ, cho biết tầm quan trọng của vàng như một tài sản an toàn ngày càng lớn đối với dự trữ của Mông Cổ.

Còn ông Marek Sestak, phó giám đốc điều hành cơ quan quản lý rủi ro tại Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc, cho biết vàng được coi là một công cụ đa dạng hóa dự trữ thuần túy của ngân hàng này.

Cả ba đại diện ngân hàng trung ương của Cộng hòa Séc, Mông Cổ và Mexico cho biết hiện tại các cơ quan này không giao dịch các sản phẩm phái sinh vàng và London vẫn là địa điểm lưu trữ vàng chính của họ với tư cách là trung tâm giao dịch. Chỉ có Mông Cổ có nhu cầu hạn chế hồi hương vàng để lưu trữ trong nước.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng lượng mua vàng dự trữ thêm 6% lên 183 tấn trong quý II/2024 và lượng mua cả năm 2024 ước giảm 150 tấn so với năm 2023.

Trên thị trường, giá vàng vẫn ổn định khi các nhà giao dịch thận trọng trước lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng rủi ro chiến sự ở Trung Đông.

Giá vàng ngày 15/10 giảm nhẹ sau thông tin từ một quan chức cấp cao của Fed rằng Mỹ có khả năng nới lỏng tiền tệ chậm hơn, trong khi nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn giảm bớt do lo ngại xung đột lan rộng ở Trung Đông đang giảm dần. Cụ thể, giá vàng miếng dao động quanh mức 2.650 USD/ounce, thấp hơn một chút so với mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập tháng trước.

Trước đó, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết dữ liệu kinh tế gần đây báo hiệu rằng các quan chức tiền tệ Mỹ có thể tiến hành các đợt giảm lãi suất tiếp theo ở mức độ ít cấp bách hơn so với mức giảm 50 điểm cơ bản mà họ quyết định tại cuộc họp tháng trước.

Lãi suất thấp hơn thường được coi là yếu tố thúc đẩy giá vàng.

Ngoài lãi suất, giới đầu tư đang dõi theo căng thẳng địa chính trị sau khi tờ Washington Post đưa tin Israel không có kế hoạch tấn công các cơ sở dầu mỏ hoặc hạt nhân của Iran - một diễn biến có khả năng làm giảm bớt nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại vàng.

Giá vàng đã tăng hơn 25% trong năm nay do các nhà giao dịch kỳ vọng lạc quan về các động thái cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, họ đã giảm kỳ vọng về tốc độ nới lỏng tiền tệ của Fed trong năm nay sau các dữ liệu trái chiều về nền kinh tế Mỹ.

Tại Singapore, giá vàng giao ngay hầu như đi ngang ở mức 2.649,52 USD/ounce vào lúc 8:09 sáng ngày 15/10. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index - một thước đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ giao ngay - cũng không đổi sau mức tăng 0,3% ở phiên trước.

Giá vàng thế giới sẽ “bắn phá” các đỉnh mới
Với triển vọng lãi suất giảm và lạm phát hạ nhiệt, giá vàng trong 2 năm liên tiếp được dự báo tăng không quay đầu, lướt qua mốc 2.100 USD/ounce...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư