Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cách lãnh đạo hiện đại xây dựng thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp
N.L - 26/03/2021 08:06
 
Lãnh đạo chính là “đại sứ thương hiệu” của doanh nghiệp, ngoài trí tuệ và năng lực trong kinh doanh thì uy tín và đạo đức kinh doanh của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng.

Điều đó quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp họ đang dẫn dắt.

Khởi nguồn từ xu thế tất yếu trên thế giới, nhận thức về trách nhiệm cân bằng giữa sự phát triển của thương hiệu và tính bền vững của môi trường đã dần được chú trọng tại Việt Nam những năm gần đây. Đơn cử là các hoạt động chung tay khắc phục thiên tai, khôi phục môi trường, hưởng ứng phong trào hạn chế rác thải nhựa, thành lập quỹ khuyến học hay lên án hành vi săn bắt trái phép động vật hoang dã. Không quá khó để nhận ra, ngày càng có nhiều “đại sứ môi trường” xuất thân từ cộng đồng doanh nhân.

Không còn xoay quanh con số thành tích đơn thuần, khía cạnh đạo đức đang là hướng xây dựng thương hiệu cá nhân được nhiều lãnh đạo lựa chọn. Cũng như ấn tượng từ hoạt động xã hội của doanh nghiệp, công chúng luôn dành cái nhìn thiện cảm, tin cậy hơn đối với những doanh nhân dám cam kết vì lợi ích chung như vậy.

Mô hình CSR là xu hướng được các doanh nghiệp hiện đại theo đuổi

"Đây là tầm nhìn về mối quan hệ "cho đi - nhận lại" mật thiết giữa con người với tự nhiên. Là người đứng đầu doanh nghiệp, tôi cho rằng bản thân có vai trò quan trọng trong việc tiên phong hành động vì môi trường, bảo tồn hệ sinh thái”, anh Chí Dũng, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu tại TP.HCM chia sẻ.

Người lãnh đạo doanh nghiệp với ảnh hưởng của bản thân tới văn hóa doanh nghiệp, có thể đóng góp dưới nhiều vai trò khác nhau như là người tiên phong đưa ra quyết sách thay đổi, hành động thực tế, đồng thời là người làm gương thay đổi hành vi và lan toả thông tin tích cực. Khi trở thành những tấm gương truyền cảm hứng, họ nhận được sự tôn trọng từ bạn bè, đối tác. Qua đó, thương hiệu cá nhân lẫn thương hiệu doanh nghiệp mà họ đang đại diện lại càng được củng cố.

"Nói về sinh thái môi trường, có một chủ đề hiện được giới doanh nhân rất quan tâm, đó là phản đối tiếp tay, mua bán và tiêu thụ trái phép chế phẩm từ động vật hoang dã. Bản thân tôi cho rằng, vấn nạn này cần phải được giải quyết và chấm dứt triệt để", chị Mai Phương, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn bán lẻ có tên tuổi tại miền Bắc cho hay.

Nhiều người trong giới doanh nhân có thói quen sử dụng trang sức, phụ kiện từ ĐVHD để chứng tỏ đẳng cấp

Hiện vẫn còn một số người tin tưởng vào niềm tin phản khoa học về sự thần kì vô căn cứ của động vật hoang dã nên vẫn còn hiện tượng mua bán động vật hoang dã để thể hiện đẳng cấp,hay để làm “bùa may mắn” hoặc trị bệnh. Tuy nhiều người đã phải tiền mất, tật mang vì sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, nhưng việc tiêu thụ vẫn đang tiếp tay khiến cho tình trạng săn bắt trái phép, đe dọa phá vỡ cán cân sinh thái vốn dĩ đã rất mỏng manh.

"Đã qua rồi những suy nghĩ lạc hậu thời hồng hoang, con người ngày xưa sống trong môi trường có điều kiện vật chất thiếu thốn nên họ mới xem những món vật như đá cuội, đá sỏi, nanh thú mà họ tìm được là những “chiến lợi phẩm” mang lại may mắn. Chứ thật ra chẳng ai chứng minh những món đồ từ động vật hoang dã mang lại may mắn cả. Doanh nhân thời nay cần giữ hình ảnh bản lĩnh, tỉnh táo trong việc gật đầu trước những món đồ trái phép như vậy", chị Mỹ Thoa (Hà Nội) chia sẻ quan điểm.


Cả pháp luật Việt Nam và pháp luật thế giới đều xếp việc săn bắt, mua bán và tiêu thụ trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã là một loại tội phạm hình sự với các mức xử lý nghiêm khắc.

Cộng đồng doanh nhân đang ngày càng nâng cao nhận thức và mạnh mẽ phản đối việc tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Tài sản quý giá của một doanh nhân không dừng lại ở tài năng quản trị, mà còn là giá trị đến từ bên trong, giá trị đạo đức. Cụ thể là không cổ xúy, không thoả hiệp và tiếp tay cho các đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã, mà kiên quyết bảo vệ lối hành xử văn minh đối với môi trường tự nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và sự sống bền vững trên trái đất.

Bước vàonăm mới, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ NN&PTNT kêu gọi hãy là một doanh nhân hiện đại, thành đạt, có đạo đức và trách nhiệm.

Dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” do USAID tài trợ, hướng đến hỗ trợ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.
Khi CSR trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp ý thức và thực hiện trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility – CSR) một cách bài bản, nhân văn, sẽ được sự đón nhận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư