Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cách thức nữ lãnh đạo đưa doanh nghiệp vượt đại dịch
Hồng Phúc - 23/04/2020 09:52
 
Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng không có tiền lệ. Các nữ lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn nhiều cách điều chỉnh “cánh buồm” để vượt qua sóng dữ.
Dây chuyền sản xuất của Nutifood.
Dây chuyền sản xuất của Nutifood.

Chân thành hiệu quả hơn khéo léo

“Khi khủng hoảng xảy ra, không thể nói ai hay, ai dở, mà nhiều khi nhờ may mắn bởi ngành chúng tôi kinh doanh không chịu nhiều ảnh hưởng. Các lãnh đạo trong ngành du lịch, hàng không đều rất giỏi, nên vào lúc này, không thể nói chúng tôi giỏi, còn họ dở”, bà Tô Hồng Trang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số Digiworld chia sẻ về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

Khéo léo trong giao tiếp thường được gắn cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự, bà Trang đề cao sự chân thành, coi đây là chìa khóa quan trọng nhất để giữ lòng tin trong tổ chức.

“Khi khủng hoảng phải giao tiếp bằng sự chân thành. Tôi không tin khéo léo có hiệu quả”, bà Tô Hồng Trang chia sẻ. Bà lấy dẫn chứng về chính truyền thông nội bộ của Digiworld qua bản thông báo kế hoạch của Công ty trước tình hình Covid-19. Theo đó, Digiworld thông báo rõ về thu nhập (lương, thưởng), kế hoạch không tuyển dụng mới, kế hoạch kinh doanh giữ nguyên đến quý II/2020…

“Ban lãnh đạo rất mong cán bộ, nhân viên cùng đồng hành và nỗ lực với Công ty để đạt được kế hoạch đề ra”, thông báo của Digiworld gửi  nhân viên viết.

Bà Trang cho biết, bà đã từng đọc thư gửi nhân viên của một số doanh nghiệp với ngôn từ tương tự thư gửi nhân viên của doanh nghiệp khác. Tất nhiên, bà Trang không ủng hộ cách làm này, vì như vậy không thể hiện sự chân thành.

“Khi khủng hoảng, cứ nói theo ngôn ngữ của mình”, bà Trang nói.

Phát huy tối đa năng lực đọc và hỏi cũng là cách mà các lãnh đạo Digiworld đang dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, đặc biệt thông qua Ban phòng chống rủi ro Covid-19 vừa được thành lập.

Ban này gồm 3 người. Ba thành viên này sẽ không tham gia bàn thảo cùng lúc về một vấn đề, nhằm tránh rối, nhiễu, quá tải thông tin.

“Khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 và văn bản hỏa tốc ngày 31/3 của Bộ Giao thông - Vận tải về vận chuyển hàng hóa, 3 luật sư của Digiworld được phân công tập trung toàn lực vào nghiên cứu. Đây là giai đoạn phát huy tối đa năng lực đọc và hỏi. Họ đọc văn bản, hỏi người có kiến thức pháp luật, lĩnh vực liên quan để hiểu chính xác quy định”, bà Trang cho biết.

Chủ động xem đại dịch như bài luyện tập

“Nhân viên của chúng tôi làm việc nhiều hơn và hiệu quả cũng cao hơn so với khi chưa xảy ra Covid-19”, bà Trần Thị Lệ, CEO Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực khu vực châu Á do Forbes bình chọn năm 2019 nói về cách bố trí thời gian biểu làm việc theo phương thức 50-50 của Công ty.

Theo đó, một nhóm 50% nhân viên làm ở nhà, 50% làm tại văn phòng và đổi cho nhau. Như vậy, trong trường hợp bị cách ly thì vẫn còn một nửa nhân sự để tiếp tục làm việc.

Giai đoạn này, Nutifood cũng đẩy cường độ làm việc cao hơn bình thường nhằm biến nguy thành cơ. Đặc biệt, đội marketing gấp rút đưa ra các kế hoạch đẩy mạnh bán sản phẩm mới trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Trong đại dịch, mọi nhu cầu tiêu dùng đều tập trung vào các nhãn hàng, sản phẩm quen thuộc, thay vì chấp nhận thử sản phẩm mới. Đây là lý do khiến kế hoạch ra mắt sản phẩm mới của Nutifood buộc phải tạm dừng. Dù vậy, nhu cầu gia tăng với mặt hàng giúp tăng sức đề kháng giúp mức tăng trưởng chung của Nutifood quý I/2020 vẫn đạt mức 9%.

“Chúng tôi luôn chuẩn bị cho tương lai với sản phẩm phù hợp sau dịch bệnh. Chúng tôi cũng sẵn sàng đầu tư vào các công ty liên quan trong ngành thực phẩm, nhằm bổ trợ lợi thế cho nhau”, bà Trần Thị Lệ nói.

Đại dịch khó lường có thể làm gián đoạn nguồn thức ăn nhập khẩu. Hiện Nutifood có 9.000 con bò sữa. Đơn vị này áp dụng yêu cầu các kho nhà máy phải đủ khả năng trữ nguyên liệu trong 3 tháng và liên tục cập nhật thông tin với đối tác xuất khẩu nguyên liệu. Cùng với đó, thức ăn phải được trữ tại nhà máy, thay vì kho trung tâm, nhằm hạn chế rủi ro khi cấm vận tại các cung đường.

Bà Lệ cũng cho biết, tài xế lấy hàng chỉ ngồi trên xe và không tiếp xúc trực tiếp với nhân viên nhà máy. Công nhân 5 phân xưởng trong nhà máy Nutifood tại Bình Dương không ăn cơm cùng một thời điểm, mà chia từng ca nhỏ.

Covid-19 sẽ để lại bài học lớn cho bất cứ doanh nhân nào đang duy trì và giữ vững hoạt động của doanh nghiệp. Và điểm chung của bất kỳ doanh nghiệp nào có khả năng ứng phó tốt giai đoạn này đều dựa trên nền tảng đã được chuẩn bị vững chãi, thay vì khi đại dịch xảy ra mới loay hoay đi tìm phương kế.

“Hệ thống, quy trình đã được Nutifood xây dựng và vận hành nhiều năm qua. Vì kinh doanh sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, nên từ nhà máy đến khối văn phòng đều luôn có biện pháp phòng ngừa rủi ro liên quan đến tài chính, kinh doanh. Đại dịch Covid-19 là một bài tập, thử thách năng lực điều hành của tất cả bộ phận, cũng như chính tôi”.

- Bà Trần Thị Lệ, CEO CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood
Nữ doanh nhân và khả năng phá vỡ những giới hạn
Thương trường luôn sòng phẳng và không có bất kỳ lợi thế nào cho phụ nữ. Thậm chí, các nữ doanh nhân có phần bất lợi hơn, bởi cùng lúc vừa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư