Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Nữ doanh nhân và khả năng phá vỡ những giới hạn
Thanh Huyền - 08/03/2020 09:35
 
Thương trường luôn sòng phẳng và không có bất kỳ lợi thế nào cho phụ nữ. Thậm chí, các nữ doanh nhân có phần bất lợi hơn, bởi cùng lúc vừa thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ, vừa gánh vác công việc kinh doanh. Nhưng dường như, đó lại là động lực để họ phá vỡ những giới hạn, trở thành người tiên phong.
Madame Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH truyền cảm hứng về sức mạnh của nữ giới điều hành doanh nghiệp tại Diễn đàn Tri thức thế giới - World Knowledge Forum 2019 tại Seoul (Hàn Quốc).
Madame Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH truyền cảm hứng về sức mạnh của nữ giới điều hành doanh nghiệp tại Diễn đàn Tri thức thế giới - World Knowledge Forum 2019 tại Seoul (Hàn Quốc).

Những Madame tiên phong

Câu chuyện “tháng 6 có 90 ngày” để “biến những điều không thể thành có thể”, hoàn thành Sheraton Grand Đà Nẵng Resort trong một thời gian kỷ lục phục vụ Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là thông điệp truyền cảm hứng được Madame Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG mang đến Hội nghị Doanh nhân Nữ 2020 diễn ra tại Philippines đầu tuần này.

Và có lẽ, không chỉ những nữ doanh nhân có mặt trong khán phòng hôm ấy được truyền cảm hứng, mà với cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam, còn là niềm tự hào, khi Madame Nguyễn Thị Nga là nữ doanh nhân Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng danh giá Nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn khu vực ASEAN (Women of Impact Award) trong khuôn khổ sự kiện trên.

“Hãy kiên trì theo đuổi đam mê và khát vọng của mình, không ngừng cống hiến cho sự tiến bộ của cộng đồng và sự phát triển của Tổ quốc. Hãy chinh phục khát vọng bằng cả khối óc và trái tim - Tôi làm được và phụ nữ chúng ta làm được”, Madame Nguyễn Thị Nga nhắn nhủ.

Trước đó, Madame Nguyễn Thị Nga từng lọt top 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn năm 2014.

Madame Nguyễn Thị Nga được biết đến nhiều nhất với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG - một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, bà từng khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, sau đó thành công trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.

Ở đơn vị nào, lĩnh vực nào, Madame Nga cũng đều khẳng định được năng lực và bản lĩnh của mình. SeABank, từ một nhà băng nhỏ ở TP. Hải Phòng, dưới bàn tay của Madame Nga, đã trở thành một ngân hàng tư nhân năng động với số vốn lên đến gần 9.400 tỷ đồng. BRG, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Nguyễn Thị Nga, đã đạt được rất nhiều thành công ấn tượng, trong đó có cái bắt tay “tỷ đô” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với tham vọng biến khu vực phía Bắc Hà Nội trở thành thành phố thông minh đầu tiên của Việt Nam.

Người phụ nữ duy nhất trong danh sách các tỷ phú đô la của Việt Nam được tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ công nhận, Madame Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Hãng hàng không Vietjet cũng là một nữ doanh nhân tiên phong và quyền lực.

Còn nhớ, trước khi Vietjet ra đời, thị trường hàng không Việt Nam chỉ là “sân chơi” dành cho ông lớn quốc doanh. Không ít hãng hàng không tư nhân đã cất cánh, rồi lại “hạ cánh” trước đó, nên ít người tin Vietjet có thể làm nên khác biệt.

Dù vậy, chỉ hơn 6 năm từ chuyến bay đầu tiên (vào dịp Giáng sinh, ngày 24/12/2011), bà Thảo đã thành công khi phá thế độc tôn của thị trường hàng không Việt Nam, kéo giá vé hàng không xuống thấp, đúng như cam kết: “Mọi người dân Việt Nam đều có thể bay”.

Một nữ doanh nhân khác cũng thường được mọi người tôn trọng gọi bằng danh xưng “Madame”, là “người đàn bà thép” Thái Hương.

Giữ cương vị CEO Bắc Á Bank, đưa ngân hàng này liên tiếp lập những đỉnh cao mới, song người ta thường nhắc đến Madame Thái Hương ở vai trò sáng lập và điều hành Tập đoàn Sữa TH.

Tương tự câu chuyện của Vietjet, dù “sinh sau, đẻ muộn” hơn nhiều so với các hãng sữa khác, song đến nay, TH đã trở thành “thế lực” trong ngành kinh doanh thực phẩm và đồ uống (F&B) nhờ giữ vững triết lý “sạch” từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm.

Điểm chung của những nữ doanh nhân được xã hội tôn trọng với danh xưng “Madame” nói trên không chỉ vì họ là người chèo lái doanh nghiệp ngàn tỷ, mà còn bởi sự tiên phong trong những lĩnh vực mà họ theo đuổi.

Trông đợi một thế hệ “nữ tướng” mới

Theo nghiên cứu mới nhất về phụ nữ trong kinh doanh do Grant Thornton Quốc tế thực hiện đầu năm 2019, tại khu vực châu Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp thuộc nhóm khá cao trên thế giới.

Với 36%, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Philippines (37,46%).

Theo khảo sát, tại Việt Nam, 4 vị trí thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp là giám đốc tài chính (36%), giám đốc điều hành (30%), giám đốc nhân sự và giám đốc marketing (25%).

Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó tổng giám đốc Phụ trách khối Dịch vụ tư vấn (Công ty Grant Thornton Việt Nam) không ngạc nhiên với những con số thống kê này. “Tại nước ta, phụ nữ luôn có vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế. Chúng ta tự hào khi có một loạt nữ tướng có tầm ảnh hưởng lớn cùng khả năng truyền cảm hứng và đang trông đợi một thế hệ mới các nữ tướng kế nhiệm”, bà Hà nói.

Trong đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam, có không ít người đạt nhiều thành công, được xã hội tôn trọng và ngưỡng mộ, nhưng theo báo cáo “Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” công bố cuối năm 2019, khu vực doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ chiếm tới 1/4 lượng doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa bình đẳng với khu vực doanh nghiệp còn lại.

Trong kết quả một nghiên cứu khác cũng được công bố vào cuối năm 2019 của Boston Consulting Group, nếu như xóa bỏ được khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh doanh, thì GDP toàn thế giới sẽ tăng 3 - 6%. Con số này cho thấy tiềm năng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực lao động, nếu xóa bỏ được khoảng cách giới, thì GDP trên đầu người sẽ tăng 15 - 17% ở các nước phát triển và đang phát triển.

Một số khảo sát khác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đầu tư vào các start-up do nữ sáng lập đem lại hiệu quả cao hơn 63% so với start-up nam; phụ nữ tạo ra lợi nhuận trên đầu tư cao hơn 35%, tạo ra doanh thu cao gấp đôi trên mỗi suất đầu tư so với nam giới.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tại Việt Nam, mỗi tuần, phụ nữ phải dành thêm 14 giờ so với nam giới cho công việc gia đình. Đây cũng là một điểm bất lợi của họ so với nam giới trong kinh doanh.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, Madame Nguyễn Thị Phương Thảo nhìn nhận, “thương trường là nơi dành cho những người can đảm. Trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ”.

Cho rằng, không nên trông chờ lợi thế, nữ CEO Vietjet chia sẻ, vì trách nhiệm phụ nữ mà có lẽ, các nữ doanh nhân phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 nam giới. “Lợi thế lớn nhất vẫn là giá trị và sự hy sinh, cống hiến của bản thân”, bà Thảo nói.

Còn nhớ, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, một cách hảo sảng, Madame Nguyễn Thị Nga khẳng định: “Phụ nữ thông minh hơn đàn ông, nhưng thiếu độ sâu. Hãy tận dụng mọi sự hợp tác để chúng ta hoàn hảo hơn, chúng ta sẽ thành công”.

Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam hùng cường
Tại phiên tọa đàm "Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam hùng cường" nằm trong Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, nhiều ý tưởng truyền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư