Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Cải cách thuế và kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước kỳ vọng, những thay đổi về chính sách thuế của Việt Nam sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thực hành thuế công bằng và điều chỉnh hệ thống thuế của Việt Nam theo các tiêu chuẩn toàn cầu.
Ngành xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và là lĩnh vực được tăng cường giám sát
Ngành xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và là lĩnh vực được tăng cường giám sát

Những bước tiến lớn

Mục tiêu trọng tâm trong chính sách cải cách thuế tại Việt Nam năm 2024 là cải cách hệ thống thuế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tuân thủ. Điều này bao gồm việc cải thiện các ứng dụng để báo cáo và nộp thuế dễ dàng hơn, giúp đơn giản hóa quy trình cho doanh nghiệp và cá nhân.

Thương mại điện tử và kinh doanh online tiếp tục phát triển, do đó, Chính phủ đã có những biện pháp để tránh thất thu thuế từ mảng này. Quy định mới yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử thu thuế thay cho người bán hàng là cá nhân, đảm bảo các giao dịch đóng thuế đúng và đủ theo quy định.

Ngành xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và là một lĩnh vực mà Chính phủ tăng cường giám sát. Năm 2024, cơ quan thuế tăng cường kiểm soát hóa đơn bán lẻ xăng dầu nhằm ngăn chặn gian lận thuế.

Thị trường bất động sản cũng là một trong những mục tiêu cải cách. Chính phủ hướng tới việc loại bỏ các lỗ hổng trong quản lý thuế, kiểm soát việc các giao dịch chuyển nhượng bất động sản không được kê khai và nộp đủ thuế.

Một bước tiến lớn trong năm 2024 là việc ban hành luật mới về thuế giá trị gia tăng (GTGT), cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế nhằm điều chỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Những thay đổi này nhằm đơn giản hóa việc tuân thủ thuế GTGT và tăng cường công bằng thuế trên các lĩnh vực. Luật Thuế GTGT đã chính thức được thông qua ngày 26/11/2024 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP được soạn thảo với thay đổi quan trọng liên quan đến giới hạn chi phí lãi vay.

Một khía cạnh đáng chú ý khác trong các cải cách năm 2024 là Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới với nhiều thay đổi quan trọng. Điểm nổi bật là việc áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế (Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 vào cuối tháng 11/2023 nhằm kịp thời có quy định hướng dẫn việc áp dụng từ năm tài chính 2024). Dự thảo Luật cũng xem xét điều chỉnh nguyên tắc tính thuế TNDN đối với giao dịch chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Những cải cách thuế được đánh giá sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thực hành thuế công bằng, điều chỉnh hệ thống thuế của Việt Nam phù hợp và tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của quốc gia.

Kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp

Với các đề xuất cải cách hệ thống thuế từ năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước kỳ vọng, những thay đổi về chính sách thuế sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi,  đảm bảo phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mong muốn, cơ quan thực thi quy định linh hoạt trong áp dụng và diễn giải quy định vào thực tiễn. Ví dụ, việc vi phạm các quy định chuyên ngành khác không nên là cơ sở để cơ quan thuế đánh giá tính tuân thủ pháp luật về thuế của doanh nghiệp (như loại chi phí thuế TNDN, gây khó khăn khi xử lý hoàn thuế GTGT…).

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng kỳ vọng, cơ quan chức năng cầu thị để có những thay đổi tích cực trong hệ thống quy định. Ví dụ, liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế và hóa đơn, thời gian gần đây, việc áp dụng xử phạt trên từng hóa đơn sai phạm được đánh giá có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp có số lượng hóa đơn giao dịch lớn.

Ngoài ra, phương thức quản lý thuế cần giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế và phân tách rõ trách nhiệm giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Ví dụ, việc quản lý doanh nghiệp gian lận hay không hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh, hay việc phân bổ thuế cho các địa phương… nên được cơ quan thuế tự thực hiện, thay vì cách thức hiện nay, gây khó khăn và gánh nặng cho người nộp thuế.

Tầm nhìn tới năm 2030, Việt Nam đặt trọng tâm phát triển trong các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, năng lượng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Để thực thi chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững đó, Chính phủ Việt Nam nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”.

Sự đồng hành của Chính phủ cùng doanh nghiệp cần được thể hiện qua việc xây dựng và quản trị tốt các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, minh bạch, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Chính sách ưu đãi cần được xem xét thay đổi hoặc thiết kế mới để phù hợp với các ngành nghề mũi nhọn và thuộc trọng tâm phát triển.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện tích cực, đánh dấu bước chuyển mình vào một kỷ nguyên mới. Các doanh nghiệp tin tưởng rằng, những cải cách thể chế nói chung và thủ tục thuế nói riêng sẽ mang lại những thành tựu to lớn cho Việt Nam.

(*) Công ty Forvis Mazars Việt Nam

Đòn bẩy niềm tin từ cải cách thuế
Những chính sách thuế mới đã góp phần xây dựng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, trực tiếp đóng góp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư