Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 22 tháng 10 năm 2024,
Cái gốc của sự minh bạch
Nguyên Đức - 20/06/2014 10:04
 
() Chỉ trong vòng hai ngày, hai dự luật Đầu tư công và Phá sản (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho sự minh bạch của nền kinh tế, cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nợ XDCB hoàn toàn được kiểm soát
Chặn dự án kiểu "tỉnh bạn có, tỉnh ta phải có"
Hết cảnh tấp nập địa phương lên bộ, ngành xin dự án
Để Luật Đầu tư công trở thành vũ khí chống tham nhũng
Đất nước cần sự minh bạch

Nói vậy là bởi, lâu nay, dù đã có Luật Phá sản, song một số điều khoản trong Luật khiến các doanh nghiệp muốn “chết” mà không được chết, vì thủ tục phá sản rườm rà, kéo dài, hơn thế còn tạo tâm lý nặng nề cho chủ doanh nghiệp, trong khi trên thực tế, phá sản là chuyện bình thường trong kinh doanh. đó là chưa kể cái giá phải trả cho việc phá sản cũng rất lớn, khi mà chủ doanh nghiệp bị cấm thành lập doanh nghiệp mới trong 1-3 năm…

  Chỉ trong vòng hai ngày, hai dự luật Đầu tư công và Phá sản (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua.  
  Chỉ trong vòng hai ngày, hai dự luật Đầu tư công và Phá sản (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua  

Nhưng nay, với nhiều sửa đổi quan trọng, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn không chỉ có thể được “chết”, được “chôn”, mà còn có cơ hội làm lại từ đầu. Các thủ tục phá sản đã đơn giản hơn, cơ hội cũng vẫn mở cho chủ doanh nghiệp bị phá sản. Điều này cũng sẽ tạo cho cộng đồng xã hội có cái nhìn cởi mở hơn với doanh nghiệp bị phá sản.

Hơn thế, dù vẫn đang trong quá trình thảo luận, song hai Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), một khi được thông qua, cộng thêm các quy định tại Luật Phá sản (sửa đổi), sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho quá trình khai sinh, hoạt động, thậm chí cả khai tử cho hệ thống doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và thông thoáng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và huy động sức dân vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, việc Luật Đầu tư công chính thức được ban hành sau hơn 7 năm chuẩn bị được cho là sẽ tạo sự đột phá đối với việc quản lý, sử dụng và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát sẽ được hạn chế. Có Luật Đầu tư công thì không còn chỗ cho chạy chọt, tham nhũng… Cụ thể, với một trong những nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, sẽ nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, ngăn chặn tình trạng quyết định chủ trương đầu tư thiếu cơ sở, gây lãng phí…

Cùng với đó, với các quy định liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn, sẽ tạo bước đột phá lớn, bước chuyển đổi mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là bước chuyển quan trọng, góp phần rất lớn cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công là một trong ba mũi giáp công.

Luật Đầu tư công có thể nói là cái gốc cho sự minh bạch của hoạt động đầu tư công, khi mà từ cơ chế, chính sách pháp luật, nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định lựa chọn danh mục dự án đầu tư công, đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm, đặc biệt là mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án… đều hết sức minh bạch. Không còn chỗ cho xin - cho, không còn chỗ cho sự tùy tiện, chủ quan, cho tham nhũng, lãng phí…

Luật Đầu tư công sẽ mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế, mà một khi nền kinh tế có sự minh bạch, đất nước có cơ hội để phát triển thịnh vượng hơn.

Vấn đề còn lại là các điều khoản trong Luật được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư