Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Cải thiện môi trường kinh doanh không thể trông vào cải cách đơn lẻ
Bảo Duy - 06/11/2019 16:07
 
Trước ngày 10/11/2019, các bộ, ngành liên quan phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh.
.
Những cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang tiếp đà cho sự tăng trưởng của nền kinh tế những năm qua.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Việt Nam giảm 1 bậc (từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát), trong đó, đa số các chỉ số thành phần giảm bậc. Đây cũng là năm thứ hai, Việt Nam giảm 1 bậc trên bảng xếp hạng này của WB.

Thực ra, cũng phải nhắc tới 5/10 chỉ số tăng điểm của Việt Nam, gồm khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế. Dù trong số này, WB chỉ ghi nhận 2 chỉ số có cải cách về quy định và thực thi là nộp thuế và tiếp cận tín dụng, nhưng cải thiện về điểm số là có.

Song mức độ cải thiện không đủ để các chỉ số này đều tăng hạng khi so sánh với các nền kinh tế khác.

Thậm chí, khởi sự kinh doanh dù tăng điểm, nhưng giảm mạnh về thứ hạng. Đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư cũng lùi sâu dù điểm số không thay đổi. Hơn thế, nếu nhìn cả giai đoạn 4 năm qua, từ 2016 đến nay, thì nhiều chỉ số của Việt Nam giảm mạnh, như giao dịch thương mại qua biên giới giảm tới 11 bậc, bảo vệ cổ đông thiểu số giảm 10 bậc. Có nghĩa, những nỗ lực cải cách quản lý chuyên ngành dù đã được thúc đẩy từ những năm 2014-2015, nhưng đến nay mới được ghi nhận ở một vài lĩnh vực (như an toàn thực phẩm, kiểm dịch). Đa số lĩnh vực khác chậm hoặc không cải thiện, có lĩnh vực như lao động, thương binh, xã hội còn tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp...

Điều đáng nói là đang có sự lặp lại của những chỉ số chậm được cải thiện.

Thử nhìn vào những ngôi sao của cải cách những năm qua, cũng có thể thấy sự lặp đi lặp lại của một số tên. Tiếp cận điện năng, thuế, bảo hiểm xã hội luôn được nhắc tới ở nhóm tích cực suốt 4 năm qua khi phân tích các chỉ số thành phần của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhóm tiên phong trên Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm cũng không có nhân tố mới, các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp chia nhau các thứ hạng đầu bảng...

Trong các báo cáo về thực hiện Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019l và định hướng đến năm 2021, cũng chỉ có một vài cái tên tích cực được lấy làm ví dụ điển hình.

Dường như nỗ lực cải cách đang tập trung ở một số bộ, ngành, địa phương, tập trung ở một số bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam, năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể cải thiện, đột phá nếu chỉ trông vào nỗ lực cải cách ở một vài chỉ số, một vài bộ, ngành, một vài địa phương.

Điều đáng nói là những nỗ lực đơn lẻ đang tới hạn, thậm chí đang bị sự chậm trễ, nhùng nhằng ở những nơi khác kìm hãm.

Trong khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, phí, bảo hiểm xã hội là những thứ khiến doanh nghiệp đau đầu nhất. Cổng thông tin một cửa quốc gia đã hoạt động, nhưng vẫn có tới 25% doanh nghiệp phản ánh rằng, vẫn phải nộp hồ sơ giấy, 12% cho biết có sự chồng chéo về thủ tục giữa các cơ quan...

Cũng phải nhắc tới sự thăng hạng liên tục và rất mạnh mẽ của Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines trên bảng xếp hạng của WB trong năm nay. Các nền kinh tế đang có xu hướng cải cách nhanh và quyết liệt hơn, khiến việc đạt mục tiêu vào nhóm nước ASEAN 4 của Việt Nam thêm thách thức.

Một điều chắc chắn, những cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang tiếp đà cho sự tăng trưởng của nền kinh tế những năm qua. Tuy vậy, nền kinh tế đang cần thêm động lực và động năng từ sự quyết liệt, mạnh mẽ và thực chất hơn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất sốt ruột, thể hiện nhiều nỗ lực, quyết tâm cải cách, nhưng không thể tạo bứt phá nếu không được hiện thực hoá bằng tư duy và hành động cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

[Infographic] Việt Nam tăng điểm về cải cách môi trường kinh doanh
Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,44 điểm so với năm 2019, xếp thứ 70/190 nền kinh tế được khảo sát
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư