Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Cân bằng giữa đẩy mạnh xuất khẩu và tăng thu hút FDI
Mạnh Bôn - 21/09/2023 09:17
 
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), kiểm soát tỷ giá phải cân bằng giữa đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu hút FDI, quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô.
TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương)

Chỉ ít ngày nữa, các số liệu về kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm sẽ được công bố. Với những diễn biến gần đây, ông có nhận định gì về bức tranh kinh tế Việt Nam?

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vào đúng “quỹ đạo”, quý sau tăng cao hơn quý trước. Với diễn biến ngày càng khả quan, quý III chắc chắn tăng trưởng cao hơn quý I và quý II, nhưng tính chung 9 tháng thì vẫn dưới mức kỳ vọng.

Đáng nói là, sự khởi sắc của nền kinh tế đến từ những yếu tố mang tính chất căn bản, đặc biệt kể từ tháng 5 trở lại đây, sau mỗi tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh bớt khó khăn hơn, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh hơn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao hơn.

Theo dõi sự vận hành nền kinh tế những tháng gần đây, có thể thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng sáng hơn, khó khăn vơi dần, không chỉ là khó khăn trong nội tại của nền kinh tế nước ta, mà khó khăn của kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn, cũng giảm dần, nhờ đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu hút FDI.

Trong 8 tháng đầu năm, có 1.924 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2022 về số dự án và tăng 39,7% về số vốn đăng ký, chứng tỏ Việt Nam thực sự là “thỏi nam châm” thu hút FDI.  

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nước ta trong 8 tháng đầu năm đạt 435,23 tỷ USD, giảm trên 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Hoạt động ngoại thương từ đầu năm đến nay không được như kỳ vọng, nhưng đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu trở lại kể từ tháng 4. Đó là tín hiệu tốt lành.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu bị sụt giảm là do thương mại toàn cầu suy giảm, do nguyên nhân khách quan. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi không nghĩ như vậy, vì thực tế, thương mại toàn cầu không hề suy giảm, đặc biệt là nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân tại những thị trường là đối tác chủ yếu của Việt Nam. Xuất khẩu giảm chủ yếu do năng lực cạnh tranh của hàng Việt có vấn đề, hay nói chính xác là, chúng ta bị các đối tác cạnh tranh trực tiếp như Indonesia, Bangladesh, Pakistan... vượt qua.

Nguyên nhân nằm ở tỷ giá. Chỉ số giá USD bình quân 8 tháng năm 2023 chỉ tăng 2,27%. So với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, thì tỷ lệ mất giá của đồng nội tệ Việt Nam so với USD rất thấp. Trong khi đó, các nước nói trên đều phá giá đồng nội tệ trên 10%, thậm chí, đồng nội tệ của Bangladesh còn mất giá 23 - 28% so với USD. Vì thế, hàng hóa của những nước này khi xuất khẩu rẻ hơn hàng hóa của Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt Nam bị mất đơn hàng vào tay đối thủ cạnh tranh.

Ý ông muốn nói là, để hỗ trợ xuất khẩu, cần phải phá giá đồng nội tệ?

Giữ hay phá giá đồng nội tệ là vấn đề vô cùng quan trọng, tác động, ảnh hưởng ngay đến các chính sách vĩ mô, nên không thể thực hiện theo ý muốn chủ quan, mặc dù với tiềm lực hiện nay, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp được vào tỷ giá bằng cách mua vào hay bán ra đồng USD.

Cán cân thương mại của Việt Nam về cơ bản tương đối cân bằng (8 tháng đầu năm thặng dư 20,19 tỷ USD). Nếu đồng nội tệ mất giá, thì hàng hóa nhập khẩu đắt lên, tác động ngay tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, vì trên 90% kim ngạch nhập khẩu là thiết bị, công nghệ, dây chuyền, nguyên - nhiên - vật liệu.

Như tôi đã nói, Việt Nam đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút FDI. Cần nhấn mạnh rằng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ đổ vốn vào Việt Nam khi tỷ giá được giữ ổn định.

Kiểm soát tỷ giá là bài toán khó, rất khó khi phải cân bằng giữa đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tăng thu hút FDI, nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu kinh tế vĩ mô bất ổn, thì mọi sự nỗ lực đổ sông, đổ biển.

Nhưng nếu điều hành tỷ giá không phụ thuộc hoàn toàn vào USD, thì vừa có thể thúc đẩy được xuất khẩu, đồng thời vẫn thu hút được FDI, thưa ông?

Trên nguyên tắc, Việt Nam không neo tỷ giá vào USD hay bất cứ ngoại tệ mạnh nào, mà điều hành theo nguyên tắc “tỷ giá trung tâm”. Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, gồm 8 đồng ngoại tệ: euro, nhân dân tệ, yên, USD, bảng Anh...

Nhưng, thanh toán thương mại trên thế giới vẫn chủ yếu sử dụng USD, ngay cả buôn bán với Trung Quốc cũng thanh toán chủ yếu bằng USD, chứ không phải nhân dân tệ. Vì thế, dù có muốn “thoát ly” USD thì cũng không thể làm được.

Nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trước diễn biến này, theo ông, Việt Nam nên làm gì?

Xu thế của thế giới là đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và họ đang cố gắng thực hiện điều đó, đặc biệt là sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và mới đây nhất, khối BRICS quyết tâm giảm phụ thuộc vào “đồng bạc xanh”. Vì vậy, chúng ta cũng phải tính toán đến phương án đa dạng hóa đồng tiền thanh toán trong quan hệ ngoại thương.

Vấn đề đặt ra là, sắp tới, chúng ta thanh toán với các đối tác trong BRICS thế nào, khi họ thanh toán thương mại bằng đồng tiền riêng, bởi khi tỷ trọng thanh toán bằng USD và loại ngoại tệ nào đó thay đổi, thì phải thay đổi cách điều hành chính sách tỷ giá, rồi phải tính toán dự trữ ngoại hối…

Thu hút FDI: Kỳ vọng thêm những “đại bàng” từ Mỹ
Trong nhiều năm qua, nhà đầu tư Mỹ liên tục rót tiền vào Việt Nam, nhưng vẫn chưa được như mong chờ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư