Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cán cân thanh toán tổng thể Việt Nam 2014 thặng dư lớn
Thùy Linh - 05/01/2015 09:18
 
Trong năm 2014, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đã đạt mức thặng dư lớn, bổ sung cho dự trữ ngoại hối và đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ duy trì tỷ giá ổn định.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
NHNN "chốt" biên độ điều chỉnh tỷ giá năm 2015 là 2%
So sánh cán cân thanh toán của Việt Nam và Trung Quốc
Nhập siêu - hy vọng của nền kinh tế

6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt thặng dư kép với mức thặng dư lớn được ghi nhận ở cả cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính. Đồng thời, khoản mục lỗi và sai sót cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cán cân thanh toán tổng thể Việt Nam 2014: Đạt mức thặng dư lớn
Năm 2014, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ duy trì tỷ giá ổn định

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 2 quý đầu năm, cán cân vãng lai được cải thiện đáng kể với thặng dư 5,48 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013. Mức tăng này chủ yếu do thặng dư cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 4,95 tỷ USD và các khoản chuyển tiền vãng lai tăng nhẹ 1,07% so với cùng kỳ.

Hai chỉ tiêu này đủ bù đắp dòng tiền ròng của thu nhập từ đầu tư chuyển ra nước ngoài đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo quý III/2014, VPBS đã dự báo thặng dư thương mại cả năm ở mức 2,5 tỷ USD. Dù con số thực tế mới được công bố chỉ ở mức 2 tỷ USD, nhưng đây vẫn là một mức xuất siêu đáng kể.

Cán cân vốn và tài chính cũng tăng từ mức âm 390 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2013 lên 5,3 tỷ USD cùng kỳ năm nay. Trong đó, đầu tư ròng trực tiếp từ nước ngoài tăng 11,3% so với cùng kỳ, lên 3,2 tỷ USD, nhờ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 5,3% và vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài giảm 12,2% so với cùng kỳ. Đầu tư gián tiếp nước ngoài ròng đã giảm 71% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 340 triệu USD. Điều này không gây ngạc nhiên, vì triển vọng gói hỗ trợ QE3 bị cắt giảm dần và triển vọng tăng lãi suất USD và đồng USD sẽ khuyến khích các nhà đầu tư chuyển vốn về đầu tư tại Mỹ.

Bên cạnh đó, các khoản vay nước ngoài ròng tăng 16,9%, lên 1,8 tỷ USD, nhờ tận dụng chi phí vay tại các thị trường quốc tế thấp hơn so với Việt Nam, trong khi tỷ giá được cam kết duy trì ổn định.

Mức tăng của các khoản vay nước ngoài ròng chủ yếu do tăng vay nợ ròng trung và dài hạn của Chính phủ, tăng 50% so với cùng kỳ, trong khi vay nước ngoài ròng trung và dài hạn từ khu vực tư nhân tăng 44% so với cùng kỳ. Đồng thời, tổng vay nợ ngắn hạn giảm 31% so với cùng kỳ. Xu hướng tăng vay nợ nước ngoài trung và dài hạn sẽ tiếp tục trong 6 tháng cuối năm khi Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất thấp 4,8%/năm.

Chỉ tiêu tiền và tiền gửi đã giảm đáng kể 87% so với cùng kỳ, khi các ngân hàng rút các khoản tiền gửi bằng USD từ ngân hàng nước ngoài về để cho vay bằng ngoại tệ. Tín dụng ngoại tệ đóng góp 51,3% trong mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm.

Từ tháng 7 đến 11/2014, lượng vốn FDI giải ngân tăng khá, đạt 5,45 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giải ngân vốn FDI cả năm dự báo đạt 12,5 tỷ USD. Đồng thời, lượng kiều hối được dự báo tăng trong năm nay.

Như vậy, tổng cán cân thanh toán thặng dư 10,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Theo NHNN, đến tháng 11/2014, cán cân tổng thể thặng dư ở mức hơn 10 tỷ USD.

Tác động tới nền kinh tế là đáng kể. Dự trữ ngoại hối nhờ đó được cải thiện, tăng lên mức cao kỷ lục hơn 36 tỷ USD. Điều này giúp Chính phủ duy trì tỷ giá ổn định và giữ lạm phát ở mức thấp.

Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối kỷ lục

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD, tỷ giá ổn định, tâm lý và cung cầu ngoại tệ cân bằng và ổn định. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, báo cáo của IMF đã đánh giá tỷ giá hối đoái của Việt Nam hiện tại ở mức cân bằng dài hạn, có sự tích cực giữa tỷ giá hối đoái thực với tỷ giá hối đoái danh nghĩa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư