Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Cần chốt thời gian bỏ trần chi phí quảng cáo
Khánh An - 05/06/2013 15:09
 
(baodautu) Ông Mai Hữu Tín, Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy cơ hội trong năm nay và cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần phải được đẩy nhanh, trong đó có việc bỏ khống chế trần chi phí quảng cáo.  
TIN LIÊN QUAN
Ông Mai Hữu Tín (Ảnh: Chí Cường)

Thưa ông, các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về giảm mức thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp, bỏ trần chi phí tiếp thị, quảng cáo vẫn được tiếp tục đưa ra. Quốc hội đã có ý kiến thống nhất về các nội dung này chưa?

Kỳ này, Quốc hội bàn rất sâu về các vấn đề liên quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, các quy định về mức thuế suất, chi phí quảng cáo… được bàn rất rốt ráo. Quốc hội vừa phát phiếu lấy ý kiến đại biểu quốc hội về các nội dung này.

Với mức trần khống chế chi phí tiếp thị, quảng cáo, đề xuất nâng lên từ 10% lên 15% đã được đồng thuận. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội, nhất là đại biểu là doanh nhân, đề xuất bỏ trần khống chế chi phí này. Có thể nói, đa số đều thấy là cần phải bỏ mức khống chế trần này, hoặc nếu chưa bỏ được ngay thì cần quy định khung thời gian, lộ trình cụ thể để bỏ quy định này trong thời gian sớm sắp tới. Chúng tôi cũng đang đợi kết quả.

Về mức thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp, gần như đã có sự đồng thuận cao về việc áp dụng mức 20% từ 1/7/2012 cho một số đối tượng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mức 22% cho các doanh nghiệp còn lại từ đầu năm sau.

Các doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng về mức 20% được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, thưa ông?

Rất khó. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và ngân sách hiện nay, tôi cho rằng đó đã là một bước tiến và không mong Chính phủ có thể làm được gì nhiều hơn trong năm nay.

Vậy còn tốc độ trong thực thi các giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dường như quá chậm, ảnh hưởng tới sự phục hồi của các doanh nghiệp. Là doanh nhân, ông có thấy thế không?

Nhìn lại, có thể nói hầu hết những giải pháp cho các khó khăn hiện tại đều đã được nhắc tới, cụ thể là 2 nghị quyết 01 và 02 được Chính phủ ban hành hồi đầu năm. Tuy vậy, đúng là phải đẩy mạnh hơn những mà chúng ta đã đề ra vì mọi việc đang tiến hành chậm. Nhưng tôi tin là Chính phủ đã nhìn rõ vấn đề là cần phải làm nhanh…

Theo ông, có cần tạo một áp lực, ví dụ đặt ra một khung thời gian với các mục tiêu kết quả cho các giải pháp này để Quốc hội giám sát không?

Quốc hội không thể đưa ra được những yêu cầu như vậy.

Có thể trong tình huống bất thường của nền kinh tế, chúng ta có thể áp dụng những giải pháp, cách làm bất thường?

Tôi không nghĩ như vậy. Các việc này cần phải làm rất bài bản, kỹ lưỡng. Dù sốt ruột, muốn làm nhanh nhưng không thể vội vàng. Ví dụ như giải quyết nợ xấu, sau khi có Công ty quản lý tài sản VAMC cũng có thể chưa giải quyết được ngay, cần có thời gian, thực hiện tốt, thì từng bước sẽ giải quyết được vấn đề.

Tôi tin là Chính phủ biết là cần phải làm nhanh hơn, nhưng tôi cũng nghĩ rằng, không cần những mốc cụ thể để ép giải quyết vì rủi ro không phải không có, nhất là khả năng lạm phát quay trở lại vẫn có. Nếu chuyện đó xảy ra, những nỗ lực của tất cả chúng ta trong cả thời gian qua sẽ biến mất.

Ai cũng nóng ruột nhưng vẫn phải bình tĩnh để xử lý.

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn tăng. Có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp ngừng vì chờ các giải pháp cứu trợ tiếp theo…

Tôi không nghĩ là họ ngừng để chờ đợi. Họ ngừng vì không nhìn thấy cơ hội để làm, hoặc không thể làm được. Trong lúc này, với mức lãi suất cho vay đã trở về mức chấp nhận được, doanh nghiệp nếu có cơ hội thì họ sẽ vay tiền để làm, không thể bỏ qua.

Ông đã nhìn thấy cơ hội mới trong kinh doanh chưa?

Nền kinh tế có thể xoay chuyển vào năm sau. Các cơ hội của doanh nghiệp cùng vậy. Còn 6 tháng cuối năm vẫn là thời gian để vượt qua khó khăn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư