Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cần cơ chế để Phú Quốc trở thành “đảo ngọc”
Nguyễn Xuân Quang - 04/08/2013 07:54
 
Sau 8 năm thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc của Chính phủ, đến nay, kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang) đã có nhiều chuyển biến, với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt hơn 22%. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, Phú Quốc vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ. Tham vấn với Phú Yên
TIN LIÊN QUAN

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phú Quốc vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ. Để đưa Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện của hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc”, Phú Quốc phải có khung pháp lý đủ mạnh và ổn định, quy định về cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên phát triển đảo Phú Quốc trong thời gian tới.

Để Phú Quốc trở thành đảo ngọc, cần có khung pháp lý đủ mạnh
và ổn định, quy định về cơ chế chính sách đặc thù

Trước nhu cầu cấp thiết về sự phát triển của Phú Quốc, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và tỉnh Kiên Giang đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hình thành Tổ công tác liên bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách mới để phát triển kinh tế đảo Phú Quốc.

Đề xuất trên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với Quyết định 1312/QĐ-TTg ngày 25/9/2012.

Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn nội tại, đưa kinh tế Phú Quốc phát triển xứng với tiềm năng, rất nhiều đề xuất đã được kiến nghị.

Về tổ chức bộ máy cán bộ, kiến nghị bổ sung 1 phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiêm Trưởng ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc; tăng biên chế cho Phú Quốc theo tỷ lệ bằng 1,5 lần biên chế hiện tại của đơn vị hành chính cấp huyện, để đủ sức đảm đương nhiệm vụ; mỗi phòng, ban cấp huyện có 1 - 2 phó trưởng phòng; thành lập thêm 3 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện là phòng Ngoại vụ, phòng Công thương - Du lịch và phòng Giao thông - Vận tải. Đề xuất thành lập Tổ chức dịch vụ công làm công tác đo đạc, hỗ trợ thủ tục đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập.

Về đăng ký doanh nghiệp, kiến nghị cho phép Ban Quản lý đảo thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 và Quyết định 42/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007, đồng thời mở rộng thẩm quyền xem xét về quy mô vốn tương đương thẩm quyền đăng ký doanh nghiệp ở cấp tỉnh.

Về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại và thủ tục hành chính khác liên quan đến người nước ngoài, kiến nghị kéo dài thời hạn lưu trú miễn thị thực của người nước ngoài, du khách đến Phú Quốc từ 15 ngày lên 30 ngày. Kiến nghị cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở trên đảo Phú Quốc. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà (trực tiếp để ở) và được thuê đất ở lâu dài trên đảo Phú Quốc.

Về quy hoạch, giao Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thuê tư vấn trong và ngoài nước xây dựng Đề án Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thay thế Quyết định 178; điều chỉnh, lập mới các quy hoạch ngành để thống nhất mục tiêu quy hoạch, khắc phục “độ chênh” giữa các quy hoạch; xây dựng Đề án Thành lập TP. Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, trình Chính phủ quyết định thành lập trong giai đoạn 2013-2015…

Về cơ sở hạ tầng, tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, như hệ thống giao thông đường bộ, nguồn và hệ thống cấp điện, nguồn và hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý rác thải và nước thải..., nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đảo Phú Quốc trong thời gian tới.

Về vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu trên đảo Phú Quốc. Ưu tiên bổ sung trái phiếu chính phủ, nguồn dự phòng trái phiếu chính phủ và nguồn thu vượt hàng năm cho các công trình trọng điểm phát triển đảo Phú Quốc.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được tạm ứng trước vốn kế hoạch của năm liền kề trong 3 năm (2013-2015) theo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng trên đảo sử dụng vốn ngân sách. Việc tạm ứng trước không quá 50% vốn kế hoạch hàng năm liền kề bố trí cho từng dự án.

Về vốn đầu tư ngoài ngân sách, ban hành cơ chế hấp dẫn thu hút vốn đầu tư từ các nơi khác trong nước và từ nước ngoài (kể cả để kinh doanh kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất) với mức ưu đãi cao hơn 1,5 lần khung ưu đãi trong các quy định hiện hành. Huy động vốn theo các hình thức BOT, BT, BTO, PPP.

Dự kiến, cuối năm nay, Phú Quốc sẽ có cơ chế chính sách mới cho sự phát triển nhanh và bền vững và trong tương lai không xa, Phú Quốc sẽ thật sự là một “hòn đảo ngọc” của Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư