Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế
Tường Thụy - 08/04/2013 13:36
 
 Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2013, tái cơ cấu nền kinh tế – một năm nhìn lại” do Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội tổ chức tại Nha Trang ngày 5-6/4, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

>> Sẽ khó đạt các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2013

(baodautu.vn) Khởi đầu của khởi đầu

Trong khi cho rằng, tái cơ cấu kinh tế không phải là chuyện thực hiện được “một sớm một chiều”, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội nhận xét, việc xây dựng các đề án, chương trình hành động; một số việc cần thí điểm từ đầu năm 2011 đến nay mới là bước khởi đầu của sự khởi đầu. Đồng tình với quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá: “Cho đến nay, dường như chúng ta vẫn chưa làm được gì đáng kể”.

https://baodautu.vn/stores/news_dataimages/manhcuong/042013/08/14/anh.jpg
Các ý kiến tại Diễn đàn sẽ được chọn lọc, tổng hợp để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới đây. Ảnh: Tường Thụy

Theo ông Kiên, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề lớn của một quốc gia. Để mọi người, toàn xã hội đều hiểu, nhận ra sự cần thiết phải có thời gian, nhất là hiểu và đồng thuận được nội hàm, cách làm, bước đi, khả năng thực hiện của tái cơ cấu nền kinh tế.

Liên quan đến tốc độ tái cơ cấu kinh tế, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, mãi tới ngày 19/2 vừa qua, Đề án Tổng thể về tái cấu trúc kinh tế mới được ban hành. Do vậy, còn quá sớm để đánh giá kết quả thực hiện đề án này. Ông lưu ý rằng, vấn đề tái cấu trúc kinh tế đã được đặt ra cách đây ít nhất 5 năm từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 12. Tuy nhiên, ông cho rằng “muộn còn hơn không”.

Quy trình ngược?

Tại Diễn đàn, một số chuyên gia đánh giá rằng, thực tế quá trình tái cấu trúc kinh tế đã diễn ra tại khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. Các tập đoàn lớn như Vinashin, Vinalines đang trong quá trình tái cấu trúc, sắp xếp lại. Một số ngân hàng thương mại cũng đã được sáp nhập, hợp nhất.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại được tiến hành trước khi Chính phủ ban hành Đề án Tổng thể về tái cấu trúc kinh tế, liệu có phải là quy trình ngược?

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, ADB đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ năm 1999. Năm 2009, ADB tiến hành chương trình cho Việt Nam vay 630 triệu USD nhằm hỗ trợ tái cấu trúc thí điểm 6 tổng công ty nhà nước. Theo ông Kimura, Việt Nam cần xây dựng những điển hình tái cấu trúc các tổng công ty để xây dựng mô hình tái cấu trúc cho các doanh nghiệp đi sau. Ông lưu ý, quá trình tái cấu trúc DNNN phải có trọng tâm và dựa trên tổng thể chiến lược quốc gia.

Theo một số đại biểu, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế phải được tiến hành trên một hệ quan điểm và mục tiêu thống nhất. Các quan điểm và mục tiêu đó phải được thể hiện trong đề án tổng thể của Chính phủ về tái cấu trúc nền kinh tế.

Ở một góc nhìn khác, một số đại biểu cho rằng, không thể để doanh nghiệp tự tái cơ cấu mà phải có sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước phải xác định rõ nguyên nhân, giải pháp, nguồn lực, và quan trọng nhất là mục tiêu cuối cùng của tái cấu trúc đối với từng DNNN.

Chất lượng của đề án

Tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển đánh giá rằng, Đề án Tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã ban hành, chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về tái cấu trúc. “Nếu thực hiện theo đề án này, khó có thể đảm bảo sự thành công”, ông nói. Chia sẽ quan điểm trên, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị cần xem xét lại nội dung Đề án.

Tuy nhiên, tranh luận tại diễn đàn, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, Đề án Tổng thể về tái cấu trúc kinh tế đã được nghiên cứu và xây dựng dựa trên quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Chúng ta không thể đưa ra các con số cụ thể về tỷ trọng các ngành kinh tế, các sản phẩm trọng yếu, mà phải tuân theo qui luật của kinh tế thị trường”. Chính vì vậy, theo ông, Đề án Tổng thể chỉ đưa ra quan điểm nguyên tắc, định hướng tái cấu trúc. “Bản chất của tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực và điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách để phân bổ lại nguồn lực.”

Cũng liên quan đến Đề án, TS. Võ Đại Lược bày tỏ quan điểm không tán thành với ý kiến cho rằng, cần xây dựng lại Đề án. Theo ông, điều quan trọng lúc này là phải hành động để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Đề án cần các kế hoạch cụ thể và chi tiết với lộ trình rõ ràng. Cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm chứ không làm đồng thời mọi thứ cùng một lúc.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì việc thảo luận một cách cởi mở, thẳng thắng là cần thiết. Ông đề nghị các chuyên gia cần làm rõ các luận cứ về các vấn đề được trình bày để giúp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chọn lọc, tổng hợp và báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Sẽ khó đạt các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2013

Thảo luận về tình hình kinh tế 2013, nhiều đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân cho rằng, đây sẽ là một năm tiếp tục khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. Nếu không có những giải pháp đột phá thì sẽ khó thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đã đề ra. Về tăng trưởng quý I/2013 ở mức 4,9%, các đại biểu cho rằng đây là con số rất thấp so với chỉ tiêu 5,5 của cả năm. Ngay cả CPI quý I/2013, tuy tăng thấp, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro và chưa có cơ sở để đảm bảo chỉ số CPI cả năm dưới 6,8%. Tại Diễn đàn, các vấn đề về hàng tồn kho, nợ xấu... đã được các đại biểu thảo luận, mổ xẻ ở nhiều góc độ khác nhau. Báo Đầu tư ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia tại Diễn đàn.

Không có cơ sở để đưa ra dự báo lạc quan

https://baodautu.vn/stores/news_dataimages/manhcuong/042013/08/14/Tran_Dinh_Thien.jpg

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Năm nay, mức tăng cung tín dụng khó có khả năng đạt chỉ tiêu kế hoạch tăng 15- 17% của năm. Số doanh nghiệp đóng cửa nhiều. Nợ xấu chậm giải tỏa. Chưa thể phá băng bất động sản. Chính phủ thiếu nguồn lực ngân sách để tăng đầu tư, thiếu các nguồn lực đủ mạnh để tiến hành tái cơ cấu kinh tế thực sự.

Do đó, không có cơ sở để đưa ra dự báo lạc quan về khôi phục tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong nền kinh tế năm 2013.

Phải áp dụng các biện pháp tăng tổng cầu

https://baodautu.vn/stores/news_dataimages/manhcuong/042013/08/14/Nguyen_Duc_Kien.jpg

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội

Về hàng tồn kho: một vấn đề rất quan trọng để xử lý hàng tồn kho hiện hữu và hạn chế được tồn kho trong tương lai phải áp dụng các biện pháp tăng tổng cầu, tập trung vào 3 nhóm chủ thể là cầu của khu vực Nhà nước, cầu của khu vực doanh nghiệp và cầu của dân cư.

Vì vậy, phải tăng nguồn vốn và giải ngân vốn đầu tư; chú ý đến yếu tố đầu vào cấu thành chi phí sản xuất và giá cả sản phẩm; quan tâm đến việc làm và tăng thu nhập, giá cả sản phẩm thấp phù hợp với thu nhập.v.v...

Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết

https://baodautu.vn/stores/news_dataimages/manhcuong/042013/08/14/WB_Kwakwa.jpg

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết hơn đối với tái cơ cấu kinh tế. Phải vạch ra các mục tiêu và thời gian thực hiện các mục tiêu này.

Đã thấy rõ chi phí cho sự chậm chạp

https://baodautu.vn/stores/news_dataimages/manhcuong/042013/08/14/dai_dien_thuong_tru_UNDP.jpg

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên UNDP tại Việt Nam

Nguyên nhân căn bản gây ra một số bất ổn trong kinh tế vĩ mô chưa được giải quyết và chi phí phải trả cho tái cấu trúc chậm chạp giờ đây đã thấy rõ hơn. Các chi phí này có thể sẽ tăng hơn nữa nếu không thực hiện các biện pháp mang tính quyết định. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình nợ xấu, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư hoặc của quốc tế, nhưng quan trọng hơn hết là giảm tăng trưởng, giảm số lượng việc làm và giảm chất lượng sống của người Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư