Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cần động lực mới cho cải cách
Lê Quân - 29/10/2021 14:14
 
Việc chỉ số môi trường kinh doanh chậm cải thiện cho thấy Việt Nam cần có động lực mới, gắn với cách làm mới cho những lĩnh vực cải cách đã tạo được dấu ấn như môi trường kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa cải cách bởi thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thủ tục hoàn thuế vẫn còn quá phức tạp.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa cải cách bởi thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thủ tục hoàn thuế vẫn còn quá phức tạp.

Khuyến nghị trên được các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo tham vấn: "Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025" diễn ra vào ngày 29/10 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của CIEM, dịch Covid-19 phức tạp kéo dài, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay khiến các địa phương và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề khi phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội; đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp cho người lao động... để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện và rút ngắn thời gian tiếp cận để các nhóm này giảm bớt khó khăn do dịch bệnh.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là về chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh... đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những năm qua.

Tuy nhiên, những cải cách này đang có dấu hiệu "chạm trần", thiếu cách làm mới để tạo đột phá. Việc các chỉ số môi trường kinh doanh chậm cải thiện trong những năm qua cho thấy Việt Nam cần tạo dựng động lực mới, gắn với cách làm mới đối với những lĩnh vực cải cách đã tạo được dấu ấn như môi trường kinh doanh, và cả những lĩnh vực còn tiến triển chậm như doanh nghiệp nhà nước, dịch vụ công…

Do đó, trong những ưu tiên cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2025, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng cần lưu ý đến 5 vấn đề lớn, bao gồm: duy trì cải cách trong quá trình phục hồi; huy động và sử dụng nguồn lực; không gian cho các hoạt động kinh tế mới; thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả; tư duy về độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Trong đó, đại diện CIEM nhấn mạnh cần có không gian cho các hoạt động kinh tế mới, làm sao để mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Mặt khác, các hoạt động kinh tế mới cũng đặt ra không ít vấn đề chưa có tiền lệ, vậy câu hỏi đặt ra là "phân vai" giữa các bộ, ngành cần tiếp cận theo hướng nào và nguyên tắc ra sao.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lưu ý rằng cần phải xác định những vấn đề trọng tâm cấp thiết cho cải cách thể chế hiện nay.

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực ghê gớm đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam thời gian qua cũng như trung hạn và ít nhất vài năm nữa, để lại nhiều hậu quả, nhiều “vết sẹo” về tâm lý, thu nhập, việc làm của người lao động, về lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng. Covid-19 cũng đã làm bộc lộ những điểm yếu về mặt thể chế và cách thức quản trị của chính ta, đặc biệt là năng lực của các địa phương còn rất nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, một số cục diện địa chính trị quốc tế đã thay đổi. Xu hướng tăng trưởng hướng đến xanh hơn, bền vững hơn và tăng năng suất trên nền tảng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực nhận định, có vẻ như thị trường đang rơi vào tình cảnh "họa vô đơn chí" khi mà nhiều điều bất lợi hội tụ cùng lúc. Dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng năng lượng ở thế giới và Trung Quốc, rủi ro nợ tăng cao diễn ra cùng lúc.

Dịch Covid-19 đã khiến trọng tâm cải cách một số lĩnh vực khác bị chậm lại, đơn cử như giải ngân đầu tư công, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… "Chúng ta còn rất nhiều dư địa cải cách bởi thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thủ tục hoàn thuế vẫn còn vô cùng phức tạp. Năm 2019, Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum-WEF) xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế cạnh tranh thứ 67 trong tổng số 141 quốc gia được xếp hạng", ông Lực cho biết.

Theo chuyên gia này, có 4 đến 5 lĩnh vực là nguyên nhân kéo xếp hạng Việt Nam ở mức thấp, trong đó có gánh nặng thể chế của Chính phủ, tính minh bạch, quyền tài sản, thiết chế phục vụ mô hình kinh tế số, cơ sở hạ tầng (đường bộ, sân bay), kỹ năng lao động…

Việt Nam có vẻ đang lỡ nhịp chuyển dịch chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế khi thế giới được dự báo tăng trưởng khoảng 5,9% trong năm 2021, còn nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng thấp hơn so với mức này. "Nếu chúng ta không quyết liệt hơn nữa trong phát triển kinh tế và cải cách hơn nữa, chúng ta sẽ bị tụt hậu", ông Lực cảnh báo.

Đại biểu Quốc hội: Cải cách thể chế từ câu chuyện "chim chưa đậu đã nhậu hết chim"
'Nhiều doanh nghiệp tâm sự rất muốn làm giàu cho quê hương. Họ muốn đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết chim', đại biểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư