Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Cân nhắc kỹ cấm xuất cảnh người sử dụng lao động trốn đóng BHXH 12 tháng trở lên
Nguyễn Lê - 17/08/2023 10:25
 
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 12 tháng trở lên là biện pháp được Chính phủ đề xuất để xử lý tình trạng trốn đóng BHXH, song cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc kỹ. 

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (Luật BHXH) trong phiên họp sáng 17/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tờ trình dự án luật nêu rõ, thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định.

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, Chính phủ đánh giá.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.

Cụ thể là quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Cũng được để xuất bổ sung là quy định cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ…), thì cần cân nhắc không xác định trường hợp này là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên”, cơ quan thẩm tra cho rằng đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, Luật hiện hành quy định bị xử phạt hành chính.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng có quy định sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bỏ trốn.

Trường hợp này khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà đã quy định tạm hoãn xuất cảnh thì cần phải cân nhắc kỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị. 

Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội: Vạch rõ ranh giới hành chính, hình sự
Tòa án đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, phân định xử lý hành chính, hình sự đối với các trường hợp trốn đóng BHXH, gian lận BHXH, BHYT.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư