Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cần quy định chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp
Nguyễn Lê - 24/10/2021 17:15
 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, nếu so sánh giữa xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến thì xét xử trực tuyến bất lợi hơn nhiều.
.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên họp.

Thảo luận về đề xuất được tổ chức phiên toà trực tuyến từ năm 2022 của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, bên cạnh nhiều ý kiến đánh giá hình thức này, cũng còn có những băn khoăn nhất định.

Chiều 23/10, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đã đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Thảo luận nội dung này, khá nhiều đại biểu đồng tình với quy định tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị xem xét bổ sung tổ chức phiên tòa trực tuyến hoặc bán trực tuyến, tức là có những người sẽ có mặt trực tiếp tại phiên tòa xét xử và sẽ có những người tham gia phiên xét xử thông qua hình thức trực tuyến trong một số trường hợp.

Theo đại biểu Nga, xét xử trực tuyến nếu được áp dụng cũng sẽ có giá trị và ý nghĩa rất lớn, thậm chí mang tính quyết định đối với những vụ việc bị hại, bị cáo là trẻ em, với tâm lý ổn định, không sợ hãi. Đây cũng là một trong những cách thức tạo môi trường thân thiện trong xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em trong hoạt động tố tụng.

Việc lấy lời khai của người làm chứng tại phiên tòa thông qua hình thức trực tuyến cũng mang lại những hiệu quả nhất định, hạn chế tâm lý ngại va chạm của người làm chứng để cơ quan tiến hành tố tụng có được những lời khai có chất lượng, khách quan và đầy đủ.

Tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói ông không nghĩ xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu việt như đại biểu Nga và nhiều đại biểu khác đã nêu.

Bởi, một trong những nguyên tắc cơ bản của  tố tụng là tranh tụng. Tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà được thể hiện qua rất nhiều những khía cạnh khác, như thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời, quyết liệt giữa các bên trong tố tụng. Điều này ảnh hưởng và tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng như các thành viên tham gia tố tụng.

Do vậy, nếu so sánh giữa xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến thì xét xử trực tuyến bất lợi hơn nhiều so với xét xử trực tiếp, ông Hiển nhận định.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nêu 2 khía cạnh bất lợi, đó là để bảo đảm quyền đầy đủ của các bên đương sự trong tham gia tố tụng. Hai là bảo đảm sự tiếp cận, sự nhận định toàn diện, đầy đủ tình tiết vụ việc của thẩm phán và hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử.

Từ phân tích này, đại biểu Hiển cho rằng, nghị quyết của Quốc hội cần phải nêu rõ một nguyên tắc chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp được. Và hai là quy định rõ về điều kiện, sự đồng ý của các bên tham gia vào tổ chức phiên tòa trực tuyến thì thay vì quy định trong thông tư hướng dẫn thi hành.

Đối với thông tư hướng dẫn thi hành, ông Hiển đề nghị làm rõ phạm vi đồng ý của các bên tham gia tố tụng, vì đối với mỗi loại tố tụng hình sự, dân sự và hành chính các bên tham gia và sự bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa của từng chủ thể tham gia là khác nhau. Do vậy, phạm vi đồng ý tham gia tố tụng trực tuyến cũng khác nhau.

Hai là, trong quá trình chuẩn bị xét xử có những đương sự lúc đầu đồng ý tham gia, nhưng sau đó  không đồng ý nữa thì xử lý như thế nào, thông tư cũng phải quy định rõ.

Và bà là thông tư cần nêu rõ khi mà các yếu tố kỹ thuật không đảm bảo để xét xử trực tuyến mà có điều kiện thì phải quay trở lại ngay để xét xử trực tiếp.

Ngoài ra, sự tham gia của công chúng và truyền thông, theo ông Hiển cũng cần phải được quy định rõ trong thông tư này.

Cho rằng  xét xử trực tuyến là hình thức mới nhưng không thể thay thế hoàn toàn hình thức xét xử trực tiếp, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Quốc hội cho thí điểm ba năm, sau đó tổng kết, đánh giá, xem xét, bổ sung nội dung này vào các quy định của các luật tố tụng để bảo đảm tính pháp lý, thống nhất.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo nghị quyết và sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết vào cuối kỳ họp này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư