Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Cần Thơ: Một số điểm nghẽn cơ chế chưa được tháo gỡ hiệu quả
Trúc Giang - 06/07/2023 10:48
 
Đó là công tác thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội… nhất là việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù còn chậm, chưa tạo động lực mới cho phát triển.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Cần Thơ khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc sáng nay (ngày 5/7), ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 3,71% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%; công nghiệp, xây dựng tăng 1,06%; dịch vụ tăng 5,95%, thuế sản phẩm tăng 0,93%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 62.898 tỷ đồng, đạt 50,03% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện 819 triệu USD, đạt 50,8% kế hoạch, giảm 6,12% so cùng kỳ.

Du lịch thành phố phục hồi nhanh, ước 6 tháng đầu năm nay tổng số khách tham quan du lịch đến thành phố là 3,98 triệu lượt, đạt 76,6% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch 3.302 tỷ đồng, đạt 72,15 kế hoạch, tăng 59% so với cùng kỳ.

Một góc TP. Cần Thơ.  Ảnh Xuân Hội

Về thu hút đầu tư ngoài ngân sách, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố cấp mới 1 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 200,8 tỷ đồng; cấp mới 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với vốn đăng ký 154.379 USD, điều chỉnh 3 dự án tăng vốn 44,61 triệu USD.

Cùng thời gian này, các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thu hút 2 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,25 triệu USD, điều chỉnh 9 dự án đăng ký tăng vốn trên 50 triệu USD.

Về phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 870 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ 5.800 tỷ đồng, đạt 43,50% kế hoạch về số lượng doanh nghiệp và đạt 41,43% kế hoạch về vốn; giảm 9,75% về số lượng doanh nghiệp và tăng 3,63% về vốn điều lệ so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước 5.172,08 tỷ đồng, đạt 46,85% dự toán được giao, giảm 9,69% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 9.092 tỷ đồng, đạt 47,92% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 36,13% so cùng kỳ.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Tấn Hiển cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chậm lại, tăng 3,71% (6 tháng năm 2022 tăng 9,35%), đạt thấp so Nghị quyết đề ra (9,5 - 10%); sự phục hồi ở các ngành, các lĩnh vực chưa đồng đều, tăng trưởng còn thấp.

Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như việc triển khai công tác quy hoạch, công tác thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, các quy định của pháp luật và các nghị quyết, chương trình, đề án của Thành ủy, nhất là việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù còn chậm, còn nhiệm vụ chưa hoàn thành, kết quả chưa thực sự rõ nét, chưa tạo ra động lực mới cho phát triển, thu hút đầu tư nhất là thu hút nguồn vốn FDI; công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình trọng điểm, việc triển khai các khu tái định cư còn chậm, chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng…

Từ thực tế trên, trong 6 tháng còn lại của năm 2023, UBND TP. Cần Thơ đề ra 20 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện.

Đó là, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả, cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội đại biểu các cấp, Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ và các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Trọng tâm là các dự án đường Vành đai phía Tây; Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP Cần Thơ); Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn TP. Cần Thơ…

Tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất công nghiệp, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp chế biến chuyên sâu, công nghiệp hỗ trợ…

Tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố, do đó, cần tập trung thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 đạt tỷ lệ cao nhất.

Song song đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch…

Cần Thơ sẽ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá của mình về tiềm năng, lợi thế cũng như những vấn đề cần sớm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư