Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Canh bạc mới của Digiworld
- 08/12/2016 08:19
 
Được UK Brand Finance (Anh quốc) định giá ở mức 19 triệu USD cho giá trị thương hiệu và 75 triệu USD cho giá trị doanh nghiệp, nhưng chưa dừng lại, với dịch vụ phát triển thị trường, Digiworld đang nuôi tham vọng trở thành “công ty tỷ đô” vào năm 2020.
TIN LIÊN QUAN

Dịch vụ phát triển thị trường, chủ công mới của DGW

Giới thiệu về chủ công này, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Thế giới số (Digiworld – mã chứng khoán DGW) cho biết, dịch vụ phát triển thị trường là một giải pháp tích hợp bao gồm đầy đủ các dịch vụ cho toàn bộ chuỗi giá trị từ phân tích thị trường và xây dựng chiến lược marketing, thực hiện chiến lược marketing, nhập khẩu kho bãi, phân phối đến hậu mãi. Nôm na, một hãng công nghệ cung cấp các sản phẩm như máy tính, điện thoại…muốn xâm nhập vào Việt Nam có thể thông qua Digiworld bằng dịch vụ này. Cả hai bên sẽ có những thỏa thuận để thực hiện kế hoạch, từ phát triển thị trường, đến marketing và lợi nhuận mục tiêu.

“Nhà sản xuất hay chúng tôi đều phải giải quyết công đoạn 5 bước như đã nói ở trên để nghiên cứu, làm thế nào tiếp cận người tiêu dùng. Những công việc này, các hãng sản xuất không có nguồn lực về nghiên cứu thị trường, kinh nghiệm thị trường, thì khó có thể làm được”, ông Việt nói.

Các nhà sản xuất buộc phải hợp tác với doanh nghiệp phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Lê Toàn
Các nhà sản xuất buộc phải hợp tác với doanh nghiệp phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Lê Toàn

Theo ông Việt, Digiworld đang có năng lực quản lý hàng tồn kho ERP. Việc minh bạch thông tin trên kênh phân phối rất quan trọng, các nhà cung cấp luôn cần biết hàng đã đến đâu, chuyển tới khách hàng nào, ở đâu. Như vậy, các đối tác là nhà cung cấp hoặc ngân hàng có thể xem trực tuyến doanh số bán và hàng tốn kho. Điều này đang tạo sự tin tưởng và an tâm cho các nhà sản xuất.

Theo ông Trần Vũ, Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc điều hành của Dell tại Việt Nam, việc hiểu người tiêu dùng là điều rất khó thực hiện, nên các nhà sản xuất như Dell, buộc phải hợp tác với doanh nghiệp phân phối có khả năng nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu giúp nhà sản xuất.

Tiêu chí chọn nhà phân phối, phải đạt một số yêu cầu: Mạng lưới rộng nhất, sản phẩm cần phân phối nhắm đến người sử dụng cuối cùng nào thì chọn đại lý phân phối đang hoạt động trong phân khúc đó.

Thực tế, chuỗi giá trị ngành phân phối đang chia 5 phân lớp: Hậu cần, bán hàng, hậu mãi, marketing và phân tích thị trường. Trong khi các doanh nghiệp phân phối công nghệ thông tin trong nước chủ yếu mới chỉ ở bán hàng và hậu cần, còn Digiworld hiện đang nhắm đến phủ kín 5 phân khúc trên. Khi thị trường phát triển lên cao, giá trị càng tăng thì yêu cầu về trình độ, năng lực sáng tạo, năng lực tổ chức phải tăng. 

Digiworld đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới

“Digiworld có thể kết hợp với các thương hiệu nhỏ để tận dụng các kênh phân phối sâu rộng ở thị trường nông thôn, nhưng vẫn giữ tỷ lệ cân bằng khoảng 60:40 với hệ thống chuỗi. Chúng tôi thấy, thị trường này sẽ bão hòa trong 3 năm tới và đã chuẩn bị những bước đi mới là các dịch vụ thị trường”, ông Việt khẳng định.

Doanh thu của Digiwolrd trong năm 2016 dự kiến đạt khoảng 5.430 tỷ đồng, lợi nhuận 140 tỷ đồng sau thuế, tăng khoảng 35% so với năm 2015. Năm 2017, dự kiến, doanh thu sẽ đến từ các các dòng sản phẩm đang phân phối với mức tăng trưởng 15%, đơn vị này cũng sẽ hợp tác thêm hai hãng điện thoại mới. Còn doanh thu đến từ nước cờ mới thì đại diện này xin phép không chia sẻ.

Theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Gfk, thị trường công nghệ Việt Nam đạt quy mô 154.700 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 22,6% so với 2014. Sức hút của thị trường trên 93 triệu dân, với mức thu nhập bình quân vượt mốc 2.000 USD/người mỗi năm, đã khiến Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút các tập đoàn công nghệ của thế giới.

Sự vươn lên của các chuỗi bán lẻ như Thế giới di động, Viễn Thông A… khiến nhiều người lo ngại, liệu nhà bán lẻ có nhảy vào và làm thay việc của nhà bán buôn hay không? Nhưng ông Đoàn Hồng Việt lại không mấy lo lắng về việc này. Ông đưa ra dẫn chứng, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đều gặp phải những khó khăn nhất định ở cả hai nhóm sản phẩm.

Với nhóm sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường tiêu dùng thì ai cũng đã biết, chỉ thuần túy cạnh tranh về giá. Điều này khó khăn là ở vấn đề thời gian nhập hàng. Để nhập khẩu trực tiếp, các nhà bán lẻ phải chuẩn bị 3 tháng thì mới có hàng về, còn nếu đặt hàng từ nhà sản xuất, phải tốn thời gian, chịu nhiều rủi ro. Với nhà sản xuất, lại không muốn lệ thuộc kênh phân phối vào một người duy nhất… Với những sản phẩm đặc thù, khó bán, hoặc chưa nổi tiếng trên thị trường, để món hàng đó đến tay người tiêu dùng, phải nghiên cứu thị trường, tổ chức marketing, bán hàng, hậu mãi… Nhà phân phối rõ ràng có ưu thế hơn nhà bán lẻ ở khía cạnh này.

“Hôm nay chúng tôi phân phối các sản phẩm công nghệ, nhưng ngày mai có thể trở thành đơn vị cung cấp các dịch vụ phát triển thị trường hoặc mở rộng sang các ngành hàng khác nữa trong một tương lai không xa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư