Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Canon khó kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam
Khánh An - 15/05/2013 13:47
 
Kế hoạch mở rộng đối tác Việt Nam trong danh sách nhà cung cấp của Canon Việt Nam tiếp tục gặp khó, đồng nghĩa với tác động lan tỏa về công nghệ mà doanh nghiệp nội kỳ vọng sẽ nhận được chưa thể cải thiện.
TIN LIÊN QUAN

Canon không chỉ xúc tiến nội địa hóa phụ tùng cơ khí, mà còn muốn nội địa hóa cả linh kiện điện tử

Lại kêu gọi

Ông Kinya Okada, Giám đốc bộ phận điều phối ngành máy in laser của Công ty Canon Việt Nam có lẽ là người tất bật nhất sau Diễn đàn Chuyển giao công nghệ - Bước ngoặt của công nghiệp Việt Nam vừa được Cơ quan Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tổ chức (trong khuôn khổ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 sẽ diễn ra vào tháng 9/2013, tại Hà Nội).

Lời kêu gọi “nếu ai có thông tin về doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện điện tử cho Canon, thì hãy thông báo cho chúng tôi” mà ông Kinya Okada đưa ra tại Diễn đàn đã được đáp lại gần như ngay lập tức, với hàng loạt đề xuất trực tiếp từ doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

Có thể kể tới tên tuổi quen thuộc như Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) với xưởng đúc khuôn mẫu công suất 12.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Quốc Việt (Hà Nội) có nhà máy tại Bình Dương với sản phẩm chính là thiết bị lọc khí, lọc bụi công nghiệp, Công ty TNHH Kim khí ThyssenKrupp Việt Nam cung cấp các sản phẩm inox... Ngay cả đại diện đến từ Tập đoàn N&G Corp đang tìm kiếm đối tác Nhật Bản cho Khu công nghiệp Nam Hà Nội, địa điểm đầu tiên được xây dựng để phát triển công nghiệp phụ trợ cũng xếp hàng để có được chiếc danh thiếp của ông Okada, đầu mối chính cho các kế hoạch mở rộng nhà cung cấp Việt Nam của Canon…

Sự hào hứng của doanh nghiệp Việt Nam còn bởi Canon thông tin về kế hoạch mở rộng đối tác giao dịch Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm phi phí sản xuất của Canon trong năm nay. “Năm 2012, tính theo kim ngạch mua hàng, tỷ lệ nội địa của Canon là 64%. Chúng tôi đang muốn tăng tỷ lệ này lên. Hiện có 30 nhà cung cấp cho Canon hoàn toàn là doanh nghiệp Việt Nam”, ông Okada nói và cho biết thêm, Canon không chỉ xúc tiến nội địa hóa phụ tùng cơ khí, mà còn mong muốn nội địa hóa cả linh kiện điện tử. “Chúng tôi luôn luôn hoan nghênh các đối tác mới”, ông Kinya Okada nhấn mạnh.

Các sản phẩm ưu tiên mua sắm tại Việt Nam là nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Ông Kinya Okada, Giám đốc bộ phận điều phối ngành máy in laser Công ty Canon Việt Nam

“Chúng tôi muốn mua phụ tùng made in Vietnam để sản xuất sản phẩm cuối cùng. Các sản phẩm ưu tiên mua sắm tại Việt Nam là nguyên liệu để phục vụ sản xuất, như thép tấm mỏng, vật liệu nhựa, phụ tùng cao su, lô cuốn (roler), các linh kiện điện tử như motor, khuôn nhựa, khuôn thép… Doanh nghiệp Việt Nam nào muốn cung cấp cho chúng tôi, hãy mua sản phẩm của Canon, mở ra, phân tích để xác định những phụ tùng nào có thể cung cấp được, từ đó lên kế hoạch để hai bên cũng làm việc”.

Doanh nghiệp Việt khó đáp

Tuy nhiên, đúng như dự liệu của ông Okada dự liệu, hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện điện tử nào xuất hiện.

Nếu nhìn vào danh sách doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, như tụ điện, điện trở, hay đơn giản hơn như biến áp, cuộn dây… tại Việt Nam, hoàn toàn vắng bóng doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, cơ hội gia nhập danh sách nhà cung cấp cho Canon của doanh nghiệp Việt Nam tưởng như mở rộng, song rất khó thành.

Rõ ràng, sự hồi đáp một cách khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam với Canon không đơn giản chỉ là nguyên do từ doanh nghiệp.

Nhìn riêng lĩnh vực điện, điện tử, dù có tên trong hầu hết các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ nhiều năm qua, nhưng không cú huých nào được tạo nên cho các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện điện tử của Việt Nam. Ngay cả khi là một trong 6 ngành công nghiệp hỗ trợ được đề xuất lựa chọn ưu tiên phát triển với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, điện tử cũng là ngành có nhiều ý kiến khác nhất, bởi sự không cân xứng giữa năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Thậm chí, khi ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki tuyên bố có thể đáp ứng các yêu cầu của Canon về khuôn đúc, có dây chuyền dập, sơn, mạ…, nhưng chính ông cũng thừa nhận khó thực hiện. “Với mức lãi suất lên tới 15%/năm vay ngắn hạn, chưa kịp làm gì, thì đã đến hạn phải trả. Trong khi để đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm cần có sự hỗ trợ cả chính sách, tài chính và thời gian để đầu tư đổi mới dây chuyền, đào tạo công nhân, nghiên cứu đổi mới công nghệ”, ông Huyên nói và thẳng thắn cho rằng, các chính sách hỗ trợ hầu như không có và đề nghị doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ vay vốn với giá rẻ. “Có vốn, chúng tôi sẽ làm được các yêu cầu”, ông Huyên khẳng định.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Sở Công thương Hà Nội, cái khó đối với việc hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản là cơ chế “tích hợp”, tức là hợp tác theo chuẩn thiết kế riêng, khác với kiểu “modun” dựa trên tiêu chuẩn hóa chung, có tính lắp lẫn cao để sản xuất nhanh chóng, đại trà. “Đó là chưa kể doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi rất cao không chỉ về chất lượng hay công nghệ, mà còn cả về tinh thần kinh doanh thể hiện ở sự khát vọng, quyết tâm, nghiêm túc, sẵn sàng, chuyên nghiệp, nỗ lực trong công việc”, ông Đức phân tích.

Nhìn lại lịch sử hoạt động của Canon tại Việt Nam từ năm 2001 đến nay, chuyện Canon năm nào cũng đi tìm nhà cung cấp Việt Nam đã khá quen thuộc. Trong khi đó, cũng từ thời điểm này, sau khi Canon đặt nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, hàng chục doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản xuất hiện tại đây. Ví dụ như Nissei Electric chuyên sản xuất trục kim loại cho máy in, Santomas sản xuất các chi tiết nhựa chính xác, Fujipla chuyên sản xuất bánh răng nhựa điện tử, Kyoei sản xuất khuôn nhựa hay Tokyo Micro gia công láp ráp mô tơ, Volex sản xuất các linh kiện truyền dẫn điện tử…

Chính sự chủ động tạo chuỗi liên kết trong các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục là một rào cản không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư