Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cấp bách thu hút tư nhân làm truyền tải điện
Thế Hải - 12/04/2022 17:19
 
Thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong các tuyến đường dây truyền tải điện.
Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng T&T trao đổi tại Hội thảo
Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng T&T trao đổi tại Hội thảo

Nội dung này được các tập đoàn, doanh nghiệp nêu tại Hội thảo Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện diễn ra cuối tuần qua.

Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay và xu thế phát triển thì tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp.

Mặt khác, lưới điện truyền tải chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo cả hiện tại cũng như trong tương lai.

Tập đoàn T&T đề xuất, nên cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện, nếu triển khai được sẽ là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong các tuyến đường dây truyền tải điện.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, theo dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến 2030, có xét đến 2045 (Quy hoạch điện 8) lưới điện truyền tải sẽ tiếp tục phải được đầu tư với khối lượng rất lớn để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, theo dự thảo Quy hoach điện 8, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu đầu tư mới và cải tạo các TBA 500 kV và 220 kV là 183.510 MVA, gấp 1,7 lần so với tổng dung lượng MBA 500 kV và 220 kV hiện EVNNPT đang quản lý vận hành; đầu tư mới và cải tạo 34.291 km ĐZ 500 kV và 220 kV, bằng 1,28 lần so với tổng chiều dài ĐZ 500 kV và 220 kV của EVNNPT đang vận hành.

Nhu cầu đầu tư cho lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 ước khoảng 14 tỷ USD, tương ứng với nhu cầu đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài ra, cùng với chủ trương phát triển mạnh các nguồn năng lượng xanh, sạch để đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), việc xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và quản lý vận hành lưới điện truyền tải để phát huy các nguồn lực của xã hội sẽ trở thành xu thế phổ biến trong những năm tới.

Luật Điện lực sửa đổi đã quy định: “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”.

Với chủ trương cho phép các thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải, EVNNPT kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt sức ép đối với doanh nghiệp trong việc huy động vốn và các nguồn lực để đầu tư phát triển và quản lý vận hành lưới điện truyền tải với dự báo khối lượng sẽ tăng lên rất lớn theo Quy hoạch điện 8.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Thành viên HĐTV EVNNPT đã chỉ ra thách thức trong trong đầu tư lưới truyền tải khi hệ thống điện ngày càng lớn.

“Quy hoạch phát triển điện lực đang theo hướng bó chặt, không có tính mở và tính động, chưa phản ánh đúng bản chất của quy hoạch điện là phải có tính động và mở, vô hình trung đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai các công trình lưới điện truyền tải”, ông Tân nhấn mạnh.

Hiện nay, Luật Điện lực sửa đổi đã quy định cho phép các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, quản lý tài sản và quản lý vận hành lưới điện truyền tải do mình xây dựng. Tuy nhiên, cần xác định rõ phạm vi đầu tư và quản lý vận hành giữa Nhà nước và các chủ đầu tư xã hội hóa.

Theo đề xuất của EVNNPT, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đầu tư các dự án truyền tải điện trục chính, truyền tải điện liên vùng, lưới điện truyền tải phục vụ cung cấp điện. Việc xã hội hóa đầu tư có thể thực hiện đối với các dự án lưới điện truyền tải đấu nối các công trình nguồn điện vào lưới điện truyền tải, cũng như có thể xem xét đối với một số dự án phục vụ cung cấp điện cho các địa phương theo kêu gọi đầu tư của các tỉnh.

Các công trình lưới điện truyền tải do chủ đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư xây dựng, chủ đầu tư sẽ sở hữu, không bàn giao tài sản cho EVNNPT. Giữa các chủ đầu tư và EVNNPT sẽ có sự thỏa thuận và phối hợp trong quá trình đầu tư và quản lý vận hành đảm bảo tuân thủ đúng theo các tiêu chuẩn, quy định về thiết kế, kỹ thuật, vận hành để đảm bảo chất lượng và vận hành an toàn, liên tục, ổn định lưới điện truyền tải.

Cân nhắc thận trọng việc cho tư nhân đầu tư truyền tải điện
Luật Điện lực được đề xuất chỉ sửa 1 Điều 4, cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào lưới truyền tải điện, nhưng lại là sự thay đổi lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư