Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Câu hỏi gửi tư lệnh ngành khoa học và công nghệ: Tư nhân đã tăng R&D, sao nhà nước vẫn ỳ ạch
Tú Ân - 07/06/2023 07:52
 
Sáng nay, 7/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là trưởng ngành thứ 3 tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động R&D.  Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp tư nhân đầu tư lớn cho R&D

Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70 - 80% tổng đầu tư cho KH&CN). Đến nay, đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng KH&CN.

Điển hình Tập đoàn Vingroup, chỉ riêng chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các mẫu xe VinFast đã là 41.352 tỷ đồng. Hiện đội ngũ R&D của VinFast bao gồm hơn 800 nhân viên nội bộ, chuyên gia (bao gồm 140 kỹ sư phần mềm) và tận dụng chuyên môn của các kỹ sư và nhà phát triển tại các công ty công nghệ liên quan trong hệ sinh thái Vingroup. Chưa kể các mảng R&D của các đơn vị như VinBigData, VinAI, VinUni…

Hay như FPT, cũng đã dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho hoạt động R&D. Ví dụ, lợi nhuận trước thuế FPT năm 2022 là 7.662 tỷ đồng thì ước tính FPT chi cho R&D khoảng gần 400 tỷ đồng. Hiện tại, FPT đã cấp kinh phí triển khai 10 dự án R&D ở cấp tập đoàn và công ty thành viên. Có những công nghệ như trí tuệ nhân tạo, FPT đã chi 300 tỷ đồng để nghiên cứu.

Một doanh nghiệp khác cũng đầu tư lớn cho R&D, giúp tăng doanh thu tới 400% là Rạng Đông. Rạng Đông đã cho hoạt động R&D chiếm trên 20% lợi nhuận sau thuế. Rạng Đông đã thành lập 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển: Lighting R&D Center, Digital R&D Center, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương mại hóa HST- 4.0 trên các nền tảng số Flatforms (C4Led) và Tổ tư vấn chiến lược chuyển đổi số với sự hỗ trợ của 12 giáo sư, phó giáo sư, hơn 30 tiến sĩ, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực…

Ở nhóm các doanh nghiệp FDI, làn sóng đầu tư xây dựng trung tâm R&D đã được đẩy mạnh. Mới đây nhất, Samsung đưa Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD đi vào hoạt động. Trước đó, Grab, Panasonic, Toshiba, Intel, Bosch… cũng đã có các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Trong khi đó, ở khối doanh nghiệp nhà nước, hoạt động đầu tư R&D thậm chí còn không tiêu hết tiền.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN trên cả nước chỉ chiếm 0,02%. Thống kê cho thấy, có 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập Quỹ, với tổng số tiền trên 23.895 tỷ đồng, trong đó số sử dụng trên 14.411 tỷ đồng, chiếm khoảng 60,3%.

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển chưa nhiều và việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp còn hạn chế. 

Cần chính sách thu hút đầu tư tư nhân cho R&D

Có thể thấy, R&D là động lực để đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI và tăng ưu thế cạnh tranh… Đầu tư cho R&D dự kiến sẽ đóng góp tới 15% tổng GDP dự báo vào năm 2045.

Để khuyến khích tư nhân đầu tư cho R&D, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử để tăng cường việc ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, hiện đại trong doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung các nội dung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tăng cường liên kết nghiên cứu với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp FDI.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN. Sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng và quy định pháp luật về KH&CN để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. 

“Từ góc độ chính sách, cần chú trọng tăng cường năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập Quỹ phát triển KH&CN, thành lập trung tâm R&D, doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nguồn nhân lực; mở rộng hình thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ nhà nước đối với các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Theo chuyên gia Võ Quang Huệ, việc đầu tư các trung tâm R&D giúp nghiên cứu cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Để làm được việc này với những doanh nghiệp ít nguồn lực về tài chính, theo ông nên có sự kết hợp của một vài doanh nghiệp cùng lĩnh vực ngành nghề, cùng tầm nhìn mục tiêu. Để phát triển mạng lưới và tìm kiếm nguồn nhân lực, doanh nghiệp có thể tham gia hợp tác cùng các trường đại học, đặt hàng để tạo cơ hội cho sinh viên phát triển ý tưởng. 

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khuyến nghị, một chương trình thí điểm hợp tác công tư được điều chỉnh phù hợp cho R&D và đổi mới sáng tạo có thể giúp tập trung và tận dụng các nguồn lực, đồng thời cải thiện hợp tác giữa các chủ thể nghiên cứu công và doanh nghiệp. Do đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao và sáng tạo và các ngành công nghiệp bổ trợ, cần sử dụng một loạt các ưu đãi để thu hút vốn đầu tư, cả từ trong nước và các nguồn lực nước ngoài, vào các lĩnh vực ưu tiên này.

Nghiên cứu 1000 công ty đổi mới sáng tạo toàn cầu của PwC cho thấy, trung bình các công ty trong Top 20 của Global Innovation 1000 chi cho hoạt động R&D khoảng 11,6% tổng doanh thu.

Theo số liệu khảo sát mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%).

Năm 2019, ngân sách cho R&D tại Việt Nam bằng 0,53% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng (chỉ có Indonesia và Philippines là có cường độ R&D thấp hơn).
Doanh nghiệp khoa học công nghệ khó tiếp cận vốn ngân hàng
Dù nằm trong nhóm được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi vay vốn, thế nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) cho biết, họ rất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư