Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cenland lấn sân sang mảng giáo dục
Thanh Thủy - 11/02/2021 13:31
 
Ba tháng qua, Cenland liên tục công bố chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư thứ cấp vào các dự án bất động sản. Mới nhất, doanh nghiệp địa ốc này còn dự tính bước vào lĩnh vực giáo dục.

Mạnh tay chi đầu tư 

CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) vừa thông qua phương án góp vốn thành lập công ty con Cen Academy với tỷ lệ sở hữu dự kiến là 51%. Công ty mới dự kiến có mức vốn 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trung Vũ là Chủ tịch HĐQT Cenland cũng đồng thời đảm nhiệm vị trí chủ tịch kiêm người đại diện quản lý phần vốn Cen Academy. Ông cũng là người ngồi ghế chủ tịch tại CenGroup, công ty đang sở hữu trên 42,6% vốn điều lệ Cenland.

Dù khoản vốn  không lớn so với quy mô tài sản của Cenland, quyết định đầu tư trên đánh dấu bước đi lấn sân sang lĩnh vực giáo dục đào tạo của doanh nghiệp địa ốc này. Trước đó, Cenland đã hoàn tất sở hữu 100% vốn CTCP Thương mại điện tử Ngôi nhà thế kỷ (CenHome) sau khi mua lại cổ phần từ các cổ đông khác.

Đáng chú ý, liên tục từ giữa tháng 12/2020, Cenland liên tục công bố chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư thứ cấp vào các dự án bất động sản. Tổng giá trị công bố tính đến thời điểm hiện tại lên tới 3.889 tỷ đồng tập trung ở ba dự án gồm: khu đô thị  mới Hoàng Văn Thụ, khu đô thị  mới Kim Chung - Di Trạch và Khu chung cư Chánh nghĩa Quốc Cường. Trong một chia sẻ mới đây, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cenland cũng tiết lộ việc chi mạnh tay cho các khoản đầu tư như trong năm 2020 này nhắm đền kỳ vọng chuẩn bị cho cơ hội bứt phá trong 2-3 năm tới.  

.
Cenland đầu tư thứ cấp vào ba dự án bất động sản dân cư

Tận dụng đòn bẩy nợ

Kế hoạch mở rộng mà Cenland đề ra phần nào đã được phản ánh qua sự thay đổi trong tình hình tài chính quý cuối năm. Trong quý IV này, quy mô tài sản của Cenland đã tăng nhanh thêm 924 tỷ đồng, lên 3.892 tỷ đồng. Riêng tiền đảm bảo làm tổng đại lý phân phối các dự án đã tăng 460 tỷ đồng lên gần 1.474 tỷ đồng. Trong khi thời điểm cách đây một năm số tiền đặt cọc trên chỉ khoảng 650 tỷ đồng.  Trong đó, ngay quý vừa rồi, Cenland vừa đặt cọc 365 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (WTO, tiền thân là Vietracimex)  - đơn vị chủ đầu tư dự án khu đô thị  mới Kim Chung - Di Trạch.  Đối với C-Holdings - chủ đầu tư Khu chung cư Chánh nghĩa Quốc Cường, Cenland đã trả trước 143 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng có  411 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ở thời điểm hiện tại, cao gấp 2,46 lần năm trước.

Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp môi giới bất động sản này đổ vốn đầu tư thứ cấp vào các dự án. Từ cuối năm 2017, Cenland đã mua lại một phần sản phẩm của dự án từ chủ đầu tư sau đó phân phối lại ra thị trường với tỷ suất lợi nhuận trên mỗi giao dịch lớn hơn nhiều việc chỉ đứng ra làm trung gian môi giới. Hàng loạt khoản đầu tư thứ cấp vào bất động sản với tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng như đã công bố đặt ra bài toán thu xếp vốn cho Cenland để thực hiện mục tiêu khá tham vọng này. Đòn bẩy tài chính hiện đang được Cenland sử dụng khá triệt để.

Đến cuối năm 2020, nợ phải trả cao gấp  2,36 lần thời điểm đầu năm, xấp xỉ 1.847 tỷ đồng. Trong đó, kênh tín dụng và trái phiếu giúp công ty huy động được 820 tỷ đồng, gấp gần 10 lần dư nợ đầu năm (82,7 tỷ đồng). Khoản vay trái phiếu vừa được thực hiện vào ngày 31/12/2020. Cenland đã phát hành trái phiếu cho CTCP Chứng khoán VnDirect với kỳ hạn 3 năm, lãi suất thấp nhất 10,5%/năm.  Quy mô vốn tự có tăng 7,74%, chủ yếu từ nguồn lợi nhuận tích lũy. Tỷ lệ nợ vay hiện tăng lên 47,4%.

Điều gì tạo nên sự khác biệt của CenLand?
Sẵn sàng khai phá những miền đất mới, bền bỉ tạo thị trường và hướng đến sự phát triển lâu dài là sứ mệnh của hàng ngàn "chiến binh"...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư