Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
CEO toàn cầu lo ngại với an ninh mạng
Anh Hoa - 24/03/2021 17:37
 
Bị tấn công, rò rỉ dữ liệu và vấn nạn lan truyền thông tin sai lệch trở thành một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trên toàn cầu.

Số hóa phát triển mạnh đã làm tăng rủi ro liên quan tới an ninh mạng. Đó là kết quả của cuộc khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp Toàn cầu lần thứ 24 với hơn 5.000 CEO đến từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 vừa qua.

Mặc dù đây không phải là kết quả chính của cuộc khảo sát này nhưng vấn nạn lan truyền thông tin sai lệch lại trở thành một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trên toàn cầu.

Các CEO đang lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Khoảng 36% CEO “rất tự tin” về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tới, cao hơn tỷ lệ 27% vào năm 2020.

Dù nhìn chung mức độ tự tin về tăng trưởng gia tăng ở cấp độ toàn cầu, hiện vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các ngành, phản ánh mức độ ảnh hưởng khác nhau của đại dịch đối với hành vi tiêu dùng ở từng lĩnh vực.

Do đó, các CEO trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông có  mức độ tự tin cao nhất, lần lượt là 45% và 43%. Trong khi đó, CEO thuộc lĩnh vực vận tải và hậu cần (logistics) chiếm 29% và lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng chỉ 27%. Đây là mức độ lạc quan thấp nhất về khả năng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới.

Mặc dù lạc quan về tăng trưởng song việc phát triển như vũ bão của công nghệ cũng làm gia tăng đáng kể về số lượng sự cố an ninh mạng. Trong năm 2020, các vụ tấn công mã độc tống tiền, các mối đe dọa về an ninh mạng đã nhảy vọt lên vị trí thứ hai trong danh sách các mối quan ngại hàng đầu, được trích dẫn bởi 47% CEO so với 33% trong năm 2020.

Ngoài ra, vấn đề lan truyền thông tin sai lệch cũng đang nhanh chóng lọt vào danh sách những mối lo hàng đầu trong mắt các CEO (với 28%, tăng từ 16% trong năm 2020). Đây là vấn đề đã có ảnh hưởng không nhỏ tới các cuộc bầu cử, danh tiếng cũng như sức khỏe cộng động, tác động tiêu cực tới việc xây dựng niềm tin trong xã hội.

Chuyên gia an ninh mạng gần đây đã đưa ra những lưu ý về một số xu hướng tấn công an ninh mạng nổi bật năm 2020 và dự báo năm 2021. Trong đó, việc lợi dụng chủ đề Covid-19 để khai thác những nghiên cứu liên quan đến đại dịch, cũng như lừa đảo và đưa thông tin sai lệch về vi-rút và vắc-xin đang gia tăng.

Tính đến năm 2020, chỉ riêng tại Đông Nam Á đã có hơn 80.000 kết nối miền và trang web độc hại liên quan đến chủ đề Covid. Malaysia là quốc gia có số lượng cao nhất, tiếp theo là Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục đến năm 2021, khi khu vực này vẫn trong “cuộc chiến” chống lại đại dịch và triển khai tiêm vắc-xin theo những giai đoạn khác nhau. Ngân hàng vẫn là mục tiêu hấp dẫn của tội phạm mạng.

Dữ liệu từ GreAT cho thấy ngân hàng và tài chính là những lĩnh vực được nhắm mục tiêu nhiều thứ hai và thứ ba toàn cầu vào năm 2020.

Một trong những chiến dịch tấn công ngân hàng đáng chú ý tại Đông Nam Á liên quan đến mã độc JsOutProx. Mặc dù mã độc này không quá phức tạp, nhưng các chuyên gia lưu ý JsOutProx tiếp tục cố gắng xâm nhập vào các ngân hàng trong khu vực.

Tội phạm mạng đứng sau phần mềm độc hại theo mô-đun này khai thác tên tệp gắn với những doanh nghiệp liên quan đến ngân hàng và sử dụng những tệp script bị xáo trộn - một chiến thuật chống xâm nhập. Thủ pháp tấn công phi kỹ thuật này đặc biệt sử dụng để tấn công nhân viên ngân hàng khi kết nối vào hệ thống mạng của tổ chức.

Mục tiêu hấp dẫn khác của tội phạm mạng là lĩnh vực kinh doanh tiền điện tử mới nổi tại Đông Nam Á. Khi giá trị của tiền điện tử tăng vọt, nhiều nhóm tin tặc cũng đang tiến hành những cuộc tấn công mạng nhắm vào lĩnh vực này.

Các nhà nghiên cứu gần đây xác định một trong những sàn sàn giao dịch điện tử trong khu vực đã bị tấn công. Kết quả của cuộc điều tra xác nhận Lazarus là nhóm tin tặc đứng sau vụ tấn công được phát hiện ở Singapore này.

Mặc dù nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng về các vấn đề tấn công an ninh mạng, nhưng họ lại chưa có hành động cụ thể.

Trong số các CEO đang có kế hoạch tăng cường đầu tư về kỹ thuật số theo khảo sát nói trên, chỉ dưới một nửa có kế hoạch tăng chi tiêu hơn 10% cho an ninh mạng và bảo mật dữ liệu. Cùng với đó, ngày càng nhiều các CEO (36%) có dự định sử dụng tự động hóa và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực, cao gấp đôi so với tỷ lệ ghi nhận vào năm 2016.

Theo nhận định, dù chưa thể định hình sự phục hồi sau đại dịch, rõ ràng việc quay trở lại như trước đây là không dễ dàng.

"Để đạt được những thay đổi cần thiết, các CEO sẽ cần nghĩ khác và liên tục đánh giá các quyết định cũng như hành động của mình dựa trên các tác động đối với xã hội. Qua đó, các lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời đặt ra định hướng giúp xây dựng niềm tin và mang lại kết quả bền vững cho các cổ đông, xã hội", chuyên gia cho biết.

Công nghiệp an ninh mạng: Ngành tỷ USD mới
Trong hành trình trở thành quốc gia số, ngành an ninh mạng Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành ngành công nghiệp trị giá tỷ USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư