Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài: Doanh nghiệp rơi vào cảnh “cháy nhà tứ phía”, không đường thoát
Hồ Hạ (thực hiện) - 14/05/2021 11:00
 
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho biết, “sóng thần” Covid-19 khiến doanh nghiệp này đang rơi vào cảnh “cháy nhà tứ phía”, không có đường thoát.
.
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel

Vừa “thở phào” vì vượt qua “sóng thần” Covid-19 lần thứ ba thành công và đang hồ hởi dốc mọi nguồn lực, tâm sức để xây dựng những sản phẩm mới với giá hợp lý để đón đầu “làn sóng” du lịch hè 2021 thì đại dịch ập đến khiến cả những doanh nghiệp nhanh nhạy trong chuyển đổi mô hình hoạt động như VietSense Travel cũng rơi vào cảnh “cháy nhà tứ phía”.

Lữ hành hoãn, hủy toàn bộ tour trong tháng 5 và không có booking mới; Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato khó tuyển học viên; nhà hàng Tái Dê khai trương đúng đợt Covid-19 ập tới, phải chuyển sang kinh doanh online… khiến ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cảm thấy không có đường để thoát ra, trong khi “sức cùng, lực kiệt”.  

“Quá tam ba bận”, Covid-19 lần thứ 4 có thể khiến sẽ khiên thêm không ít doanh nghiệp du lịch… “toang”, nếu không có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và các cơ quan chức năng.

.
CEO Nguyễn Văn Tài cho biết, gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 của VietSense Travel đều yêu cầu hoãn, hủy tour

Thưa ông, đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã tác động đến hoạt động kinh doanh của VietSense Travel ra sao?

Ngay từ sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã dành toàn bộ nguồn lực, tâm huyết để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới với mức giá hợp lý nhằm đón đầu mùa du lịch hè 2021 với tất cả niềm tin, hi vọng sẽ có một “mùa vàng bội thu” nhằm cứu vãn chút ít những mất mát sau 3 đợt “sóng thần” Covid-19 hoành hành. Thế nhưng, trồng cây đến ngày hái quả, những trái ngọt đang chín mọng, thơm lừng trên cây, bỗng “cơn bão cấp độ mạnh” mang tên Covid-19 ập đến lần thứ 4 khiến trái chín rụng rơi, vỡ vụn, nát bét. Chua sót vô cùng.

Cũng may những tour, hành trình khởi hành dịp 30/4 với hàng trăm khách vẫn diễn ra vì quá sát ngày và du khách vẫn muốn đi du lịch. 100% du khách của VietSense Travel đều an toàn và hài lòng với những chuyến đi.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, VietSense Travel không có giao dịch mới. Đau đầu hơn là gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 của chúng tôi đều yêu cầu hoãn, hủy tour. Hơn bao giờ hết, chúng tôi đang rất tỉnh táo để hỗ trợ, tư vấn cho khách chứ không phải hoang mang theo.

Tuy nhiên, vì nguồn lực đã cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng.

Đáng buồn hơn, ngày 28/4, tôi khai trương nhà hàng Tái Dê, tại số 308, phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) với dự định phát triển hệ thống chuỗi nhà hàng tại Hà Nội. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khi nhà hàng đang phải chuyển sang phục vụ khách mua về. Phần lợi nhuận lớn nhất của nhà hàng là đồ uống lại không thu được nên nhà hàng vẫn đang phải bù lỗ.

.
Theo ông Tài, Covid-19 có thể khiến mọi kế hoạch "phá sản" bất cứ lúc nào

Nhưng việc mở nhà hàng giữa lúc dịch bệnh liệu có phải quá mạo hiểm, thưa ông?

Thực ra, ý tưởng mở chuỗi nhà hàng đã được tôi tính toán từ lâu, với mong muốn xây dựng hệ sinh thái du lịch khép kín bao gồm lữ hành, lưu trú, nhà hàng, vận chuyển.

Sau 3 đợt Covid-19 bùng phát nhiều đơn vị không trụ lại được đã trả mặt bằng, đây là cơ hội tốt để tôi thuê được địa điểm ưng ý.

Kế hoạch mở nhà hàng đã triển khai trước đó một tháng với việc thiết kế nội thất, tuyển đội ngũ làm bếp, nhân viên phục vụ…

Khi ở trạng thái bình thường mới và một mùa hè đầy tiềm năng đang cận kề, trải qua 3 đợt dịch bệnh, chúng tôi nghĩ rằng khả năng bùng phát dịch trở lại sẽ ít hoặc nếu Covid-19 bùng phát trở lại cũng sẽ nhanh chóng được kiểm soát. Chúng tôi cũng dự định sẽ phát triển nhà hàng Tái Dê thành chuỗi nhà hàng ở Hà Nội. Dự định, đến cuối năm nay sẽ có 3 nhà hàng. Nhưng giờ kế hoạch có lẽ khó thực hiện được.

Ngày 27/4 có thông tin xuất hiện ca dương tính với Covid-19, trong khi kế hoạch khai trương là ngày 28/4, mọi thứ đã sẵn sàng nên chúng tôi vẫn tiến hành khai trương hình thức.

Hiện chúng tôi chủ yếu bán cho khách mang về, bán online, ship tận nhà cho thực khách. Điều này chỉ mang về lợi nhuận rất nhỏ, vì trong kinh doanh nhà hàng, bán đồ uống mang về lợi nhuận cao nhất thì lại không thể làm được vì khách hàng thường đã chuẩn bị ở nhà.

Covid-19 bùng phát nhanh như vậy nằm ngoài sự tính toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ hội kinh doanh nhà ở Việt Nam vẫn rất lớn.

.
Không gian nhà hàng Tái Dê

Cơ hội đó lớn cỡ nào, thưa ông?

Cơ hội kinh doanh nhà hàng ở Việt Nam rất lớn. Nhiều mô hình quán cà phê, nhà hàng theo chuỗi phát triển mạnh mẽ thời gian qua đã chứng tỏ nhu cầu của thị trường rất lớn.

Khi quyết định mở ra nhà hàng, chúng tôi rất tự tin về sản phẩm với hai yếu tố quan trọng nhất của thị trường ẩm thực Việt Nam là chất lượng đồ ăn ngon và giá cả hợp lý.

Theo tính toán của tôi, tỷ suất lợi nhuận kinh doanh nhà hàng cao hơn nhiều so với kinh doanh lữ hành. Mặt khác, chúng tôi đã có kinh nghiệm về marketing cũng như chăm sóc khách hàng nên cơ hội thành công là khá cao. Nhưng, tất cả những tính toán đó trở nên vô nghĩa khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Làm dịch vụ du lịch, lữ hành cũng giúp chúng tôi rất nhiều khi “lấn sân” sang kinh doanh ẩm thực. Bởi khi xây dựng sản phẩm, trực tiếp trải nghiệm cũng như đưa du khách trải nghiệm ẩm thực ở nhiều nơi, bản thân tôi có khả năng thẩm định đồ ăn. Nhờ đó, tôi có thể tham mưu, tư vấn, hỗ trợ đội bếp tạo ra những món ăn mang bản sắc vùng miền, cụ thể ở đây là dê núi Ninh Bình.

Bên cạnh đó, chúng tôi có phong cách dịch vụ bài bản, chuyên nghiệp với sự ứng dụng linh hoạt phương thức quản lý cũng như vận hành bộ máy của các nhà hàng trước đây là đối tác của lữ hành VietSense Travel và quy trình chuẩn do chúng tôi xây dựng.

Đặc biệt, thành công trong kinh doanh lữ hành giúp chúng tôi có được công thức hạch toán, từ tính toán lợi nhuận trực diện về tài chính và cả những lợi ích về thương hiệu cũng như những giá trị lợi nhuận từ những dịch vụ đi kèm.

Đơn cử, ngoài việc bán những món ăn đặc sản dê núi Ninh Bình, chúng tôi còn kết hợp được rất nhiều dịch vụ khác như hệ thống đồ uống đa dạng, nhất là các loại rượu của nhiều địa phương khác nhau. Hay khách hàng thân thiết của nhà hàng có cơ hội bốc thăm trúng thưởng voucher đi du lịch Ninh Bình miễn phí với nhiều tour đa dạng. Nhà hàng cũng sẽ miễn phí món tiết canh cho thực khách vào ngày mùng 1 hàng tháng…

Còn hoạt động của Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato do ông sáng lập thì sao? 

Hoạt động của Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato cũng bị ảnh hưởng rất lớn do lực kéo của thị trường. Khi ngành du lịch đang thất thế, không có nhiều người có nhu cầu đi học về du lịch nữa. Lẽ ra, dự kiến ngày 8/5 sẽ khai trương 2 lớp đào tạo, nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp khiến hoạt động bị hoãn lại.

Đối tượng học viên của mô hình đào tạo du lịch thực tế đa số là những người mới đi làm hoặc những người đang đi làm nhưng còn thiếu kỹ năng, họ đầu tư học một khóa ngắn hạn để nâng cao năng lực. Nhưng bây giờ không còn việc nữa, nhu cầu của các đối tượng này giảm sút rất nhiều. Ngoài ra, đối tượng là sinh viên sắp ra trường hiện học trực tuyến và hầu hết đều về quê nên những khóa đăng ký trong tháng 5 đều được bảo lưu. Do đó, Trung tâm Prato cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề tuyển học viên.

Lữ hành, đào tạo, nhà hàng đều đang rất khó khăn, cảm giác như là cháy nhà tứ hướng, không có đường để thoát ra vậy. “Quá tam ba bận”, Covid-19 lần thứ 4 có thể khiến sẽ khiên thêm không ít doanh nghiệp… “toang”, khi đã “sức cùng, lực kiệt”, nếu không có sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Thế mới thấy đại dịch Covid-19 có thể ập đến bất cứ lúc nào mà mọi kế hoạch trong dài hạn đều không được bảo đảm.

.
 “Quá tam ba bận”, Covid-19 lần thứ 4 có thể khiến sẽ khiên thêm không ít doanh nghiệp… “toang”, khi đã “sức cùng, lực kiệt”, nếu không có sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, theo dự đoán của ông, khi nào hoạt động kinh doanh có thể phục hồi trở lại?

Theo tìm hiểu của tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 phức tạp hơn 3 lần trước vì mức độ lây lan nhanh, phủ rộng ra gần 30 tỉnh, thành. Có thể, thời gian khống chế sẽ lâu như đợt 1.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tôi nhận thấy hiện số ca đang tăng đều trong diện F1, tức đã được khoanh vùng. Có lẽ, nhanh thì trung tuần tháng 6 hoặc đầu tháng 7, hoạt động du lịch mới có thể khởi động trở lại.

Sau đợt khủng hoảng lần này, theo ông đâu là vấn đề đáng lo ngại nhất với ngành kinh tế xanh?

Sau đợt này, các doanh nghiệp du lịch vốn đã cạn kiệt nguồn lực sẽ càng thê thảm. Sẽ có thêm những doanh nghiệp không thể chống chịu thêm và buộc phải dừng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh.

Khi đó, chắc chắn khủng hoảng về nguồn nhân lực du lịch sẽ càng thêm trầm trọng. Nguồn nhân lực du lịch sau 3 đợt Covid-19 tấn công, còn rất ít ỏi, chủ yếu là những người rất yêu nghề và nằm ở những doanh nghiệp có năng lực, có sức chống đỡ.

Nhưng, sau lần này, các doanh nghiệp lữ hành không còn đủ lượng năng lực để giữ bộ máy nhân sực nữa. Người lao động buộc phải chuyển sang những ngành, nghề khác để mưu sinh. Nếu tìm được những công việc tương thích và có mức thu nhập tương đương như trước đây thì chắc chắn họ sẽ không quay trở lại ngành du lịch nữa.

Điều đó có nghĩa là nguồn nhân lực sẽ “chảy máu” gần hết. Vì các doanh nghiệp có xu thế co cụm lại, ông chủ vừa là lãnh đạo cũng trực tiếp tham chiến để giảm chi phí nên lực lượng lao động không còn việc.

Tuy nhiên, khi Covid-19 được kiểm soát, có thể 1 đến 2 năm sau, công việc quá nhiều, các ông chủ, bà chủ không thể làm xuể, muốn tuyển nhân sự thì không còn ai để tuyển. Lúc đó, khoảng trống, lỗ hổng nhân lực ngành du lịch sẽ rất lớn mà không phải ngày 1 ngày 2 có thể khỏa lấp được.

Thưa ông, trước những khó khăn như vậy, những giải pháp nào có thể cứu được doanh nghiệp vào lúc này?

Hiện nay, nhiều khách hàng có tâm lý lo sợ, muốn hủy tour khiến doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn vì những địa phương không có dịch thì doanh nghiệp không hủy được dịch vụ du lịch, trong khi số tiền khách đặt cọc đã được chuyển cho hàng không, khách sạn. Chẳng hạn, ngành hàng không quy định nếu dịch bệnh khiến các chuyến bay tạm dừng hoạt động thì tối thiểu phải 2 tháng mới hoàn tiền đặt cọc mua vé, thậm chí có hãng chỉ hoàn tiền dưới dạng voucher, trong khi khách chỉ muốn nhận lại tiền mặt.

Tôi đề xuất, khi dịch bệnh bùng phát, những tour buộc phải hoãn, hủy thì hàng không tạm thời hoàn lại tiền đặt cọc cho các doanh nghiệp lữ hành để trải cọc cho khách hàng. Vì doanh nghiệp lữ hành bị kẹt ở giữa và rơi vào thế “một cổ hai tròng”, nguồn lực cạn kiệt, khách hàng đòi tiền cọc nhưng hàng không lại không trả cọc ngay.

Tôi nghĩ rằng, đây là việc rất cần thiết để đảm bảo uy tín của tất cả các bên cũng như sự hợp tác về lâu dài. Đồng thời, tạo niềm tin cho khách hàng để người Việt sẵn sàng xách ba lô lên và đi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Hiện doanh nghiệp đang được hưởng chính sách giãn nộp thuế 5 tháng và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp du lịch vì kinh doanh thua lỗ thì không có lời để nộp thuế. Do đó, tôi đề xuất cơ quan chức năng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế VAT cho các đơn vị du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có những chính sách thiết thực hơn nữa đến các lao động ngành du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng vay vốn để giữ lực lượng lao động nòng cốt.

Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ có những cơ chế giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát thực tế hơn. Bởi thực tế các gói hỗ trợ đã có nhưng doanh nghiệp du lịch chưa chạm được vào. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đề nghị Chính phủ cho tháo khoán khoản ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng số tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho doanh nghiệp vay lại từ ngân hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động.

Và quan trọng nhất hiện nay vẫn là làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để hoạt động du lịch được khởi động trở lại. Vấn đề sống còn của các doanh nghiệp du lịch vẫn là có khách hàng, nếu dịch được kiểm soát tốt, doanh nghiệp sẽ có khách và tồn tại.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

[Longform] Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, sáng lập và điều hành VietSense Travel: Tôi luôn coi khách hàng là ông chủ
Đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng với tâm niệm coi khách hàng là ông chủ, lại khéo léo đứng trên vai “người khổng lồ” công nghệ kết hợp với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư