Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chạm mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Hà Nguyễn - 03/12/2017 08:49
 
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay đã đạt được, khi nền kinh tế tiếp tục xu hướng khởi sắc và chỉ còn một tháng cuối cùng để về đích.
TIN LIÊN QUAN

Kinh tế khởi sắc

Nhìn diễn biến của nền kinh tế trong 11 tháng qua, không khó để thấy rằng, càng về cuối năm, những hiệu ứng tích cực của nền kinh tế càng thể hiện rõ. Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, căn cứ số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, kể từ sau khi báo cáo trước Quốc hội vào đầu kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, nền kinh tế “tiếp tục khởi sắc”.

Xuất khẩu tăng nhanh đang hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Ảnh: Đức Thanh
Xuất khẩu tăng nhanh đang hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Sự khởi sắc này ngày càng rõ ràng hơn, khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các chỉ số vĩ mô của kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm là rất tích cực.

Không quá khó để lấy những con số để chứng minh cho nhận định này. Rõ nhất và tích cực nhất là sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tăng tới 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính chung 11 tháng, mức tăng là 9,3%, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng năm nay và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh là một trong những động lực cơ bản khiến tăng trưởng kinh tế phục hồi. Chưa kể, cùng với sản xuất tăng vững, thì xuất khẩu bứt phá cũng là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Con số xuất khẩu của tháng 11 được Tổng cục Thống kê ước tính là 19,2 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng lên 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Với kết quả này, năm nay, không chỉ chạm mốc 200 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt trên 210 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.

Với tăng trưởng xuất khẩu hiện cao gấp 3 lần mục tiêu đề ra (7 - 8%), tăng trưởng nhập khẩu vừa phải, nền kinh tế đang xuất siêu lớn. Con số xuất siêu của 11 tháng ước lên tới 2,8 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 2,5 tỷ USD của cả năm 2016. Xuất khẩu tăng nhanh, xuất siêu lớn cũng hỗ trợ lớn cho tăng trưởng.

Ngoài sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, các điểm sáng khác của nền kinh tế còn có thể kể đến như thu hút đầu tư nước ngoài lên tới trên 33 tỷ USD trong 11 tháng qua, tăng trên 80% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng đang chuyển biến tích cực, nhờ vào sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Trong 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước đã đạt 252.800 tỷ đồng, bằng 82,9% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Không chỉ nền kinh tế Việt Nam đang chạm mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm nay, mà cánh cửa tiến tới đích tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2018 cũng đang rộng mở hơn.

Chưa kể, tín hiệu tích cực của nền kinh tế còn đến từ con số trên 116.000 doanh nghiệp được thành lập mới, hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ yếu tố giá, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tất cả đều tích cực hơn so với năm ngoái.

Chạm tay mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Chỉ còn 1 tháng nữa, nền kinh tế sẽ về đích năm 2017. Phải tới lúc đó, số liệu thống kê mới chính thức được công bố để biết rằng, có chắc chắn nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, cũng như đạt và vượt 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác hay không.

Nhưng nhìn vào những số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 11, hoàn toàn có thể kỳ vọng, quý IV/2017, kinh tế tiếp tục bứt tốc ấn tượng, để đạt mức tăng trưởng 7,31% - đủ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Thậm chí, con số có thể cao hơn và điều đó có nghĩa, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ còn cao hơn cả mức 6,7% - một nền tảng quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2018 với một tâm thế tốt và một bước chạy đà tích cực.

Báo cáo của BMI Reseach, một đơn vị của Fitch Group - công ty xếp hãng tín dụng nổi tiếng thế giới, vừa đưa ra dự báo rằng, Đông Nam Á sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng tốt nhất ở châu Á và thế giới nói chung. Trong đó, Việt Nam là một điểm sáng tăng trưởng.

Ông Raphael Mok, chuyên gia phân tích cấp cao của BMI Research đã nói rằng, những động thái gần đây của Chính phủ Việt Nam, như những cải cách trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, hay đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… đang tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế.

Trong khi đó, tờ Bloomberg thì cho rằng, nền kinh tế Việt Nam không còn là “con cá bé” nữa. Cây bút bình luận nổi tiếng của Bloomberg là Andy Mukherjee đã chỉ ra một loạt dẫn chứng để chứng minh cho nhận định của mình, từ khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán đang tăng nhanh, đến việc nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, khi hệ thống ngân hàng trước đây chìm đắm trong nợ xấu nay đã “sạch” hơn nhiều và đang tăng trưởng nhanh chóng trở lại, cũng như những nỗ lực trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Với những nỗ lực này, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, không chỉ nền kinh tế Việt Nam đang chạm mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm nay, mà cánh cửa tiến tới đích tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2018 cũng đang rộng mở hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư