Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023)
Chat GPT, công nghệ mới với hoạt động báo chí truyền thông: Nhận diện cơ hội và thách thức
Nguyễn Linh - 21/06/2023 16:29
 
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là Chat GPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Trong thời đại số hóa hiện nay, các công nghệ mới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc báo chí truyền tải thông tin đến công chúng. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống chatbot như Chat GPT cũng đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, việc ứng dụng Chat GPT sẽ đặt ra nhiều thách thức và cơ hội, nhất là với các nhà báo, các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group chia sẻ trực tuyến, kết nối với các diễn giả có mặt tại Studio của Báo Đầu tư (đầu cầu Hà Nội) tại Talkshow Chuyển đổi số báo chí - Nâng bước đồng hành do Báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Tại talkshow “Chuyển đổi số báo chí - nâng bước đồng hành” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group đã có những chia sẻ về một trong những chủ đề nóng được dư luận và giới báo chí quan tâm, đó là tác động của ứng dụng chat GPT trong hoạt động báo chí.

Ông Sơn cho rằng, ứng dụng Chat GPT tạo ra một cuộc cách mạng và đặc biệt liên quan đến lĩnh vực nội dung. Trước hết, ở góc độ người làm báo, Chat GPT có thể hỗ trợ trong việc thu thập thông tin và phân tích dữ liệu. Với khả năng xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên của con người, Chat GPT có thể giúp tìm kiếm thông tin liên quan đến một chủ đề cụ thể, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau và tạo ra các câu trả lời tự động cho các câu hỏi từ người dùng.

Nhưng, theo ông Sơn, chat GPT chỉ có thể đáp ứng được ở mức trung bình về thông tin. Một tin tức báo chí do nhà báo viết sẽ khác biệt ở kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực báo chí, và ở cảm xúc thực của họ khi tiếp cận thông tin, sự kiện. Họ có thể đã thực hiện nhiều nghiên cứu, phỏng vấn, thu thập thông tin và kiểm tra sự chính xác của các thông tin trước khi đưa ra bài viết. Họ còn phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và nguyên tắc báo chí để đảm bảo tính chính xác và khách quan của tin tức. Họ là người bằng trực giác có thể kiểm định độ chính xác của thông tin mà máy móc, các "máy học" như chat GPT không thể thay thế được. 

Do đó, chat GPT chỉ là một công cụ hỗ trợ và không thể thay thế được sự tinh tế và khả năng suy luận, trực giác, ý thức của con người trong việc đánh giá và phân tích thông tin. Theo ông Sơn, cơ hội của việc sử dụng Chat GPT trong báo chí truyền thông có thể giúp tạo ra nội dung tự động một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, tăng tương tác với khách hàng thông qua các kênh như mạng xã hội, email,... Chat GPT có thể giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng.

“Hiện nay, một số tòa soạn đã bắt đầu thử ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo không chỉ trong văn bản mà cả video, hình ảnh. Họ ứng dụng công nghệ để tạo ra phát thanh viên, MC ảo. Nghĩa là, bắt buộc các cơ quan báo chí phải can dự nhiều hơn vào các cuộc đua về công nghệ và phải sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ cho mục tiêu của mình tốt hơn, nhưng ở chiều ngược lại, các tòa soạn báo cần phát huy những gì thuộc về ý thức con người, riêng có của con người để tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm báo chí”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Dương, Luật sư Thành viên Công ty Luật Indochine Counsel.

Đánh giá về vai trò, tác động của công nghệ đối với người làm báo, hoạt động báo chí, ông Lê Văn Dương, Luật sư Thành viên Công ty Luật Indochine Counsel cho rằng, nhìn từ góc độ bản quyền, việc ứng dụng phần mềm Chat GPT đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề không chỉ báo chí. Để các tác phẩm báo chí có những nét đặc sắc riêng thì người làm báo cần tạo ra những sản phẩm tốt hơn, có cá tính riêng và đặc biệt là có sự sáng tạo.

Để khẳng định vị trí không thể thay thế của nhà báo nói riêng và báo chí nói chung, cho dù Chat GPT hay bất kỳ công cụ “máy học” nào phát triển đến đâu, thì trí tuệ và chất xám của con người tạo ra vẫn là sự riêng có của chất lượng báo chí và nâng cao độ uy tín của báo chí hơn bất kỳ một công cụ tự động nào khác.

Vi thế, các tòa soạn và nhà báo cần đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào sản xuất các sản phẩm báo chí có chất lượng, đó chính là thương hiệu của tờ báo và của phóng viên. Điển hình là những tác phẩm báo chí điều tra, phân tích, bình luận có chất lượng. Những tác phẩm này, Chat GPT hầu như rất khó thay thế được vai trò của nhà báo.

"Ngoài việc đảm bảo tuân thủ bản quyền những sản phẩm mà mình sản xuất ra thì các tác giả cũng cần đảm bảo tuân thủ không vi phạm bản quyền với bất kỳ bên thứ ba nào. Đó là yếu tố tiên quyết để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng cho cơ quan báo chí. Và hơn nữa, sự sáng tạo trong từng tác phẩm báo chí sẽ đem đến sự khác biệt và vượt trội của nhà báo so với Chat GPT hay bất kỳ công nghệ nào tương tự, cho dù công nghệ đó phát triển tới mức nào", ông Dương khẳng định.

Chuyển đổi số báo chí: Yêu cầu sống còn; phải làm linh hoạt, thực chất
Trong bối cảnh nổ thông tin và công nghệ phát triển vũ bão, thì chuyển đổi số vừa là nhu cầu, vừa là đòi hỏi khách quan của báo chí. Cơ quan báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư