Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chất lượng không khí tại Hà Nội: chỉ số NO2, SO2 đạt chuẩn, riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng
Thu Trang - 03/10/2019 10:23
 
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội có 11 trạm quan trắc không khí theo Tiêu chuẩn Việt Nam quan trắc về tất cả các tiêu chuẩn của không khí, trong đó, các chỉ số NO2, SO2 đều đạt tiêu chuẩn, riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng.
1
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Đánh giá về tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng, đây là thời điểm đang có biến đổi khí hậu, nhiều năm nay vào thời điểm giao mùa đều có những hiện tượng này. Mấy ngày vừa qua thời tiết không gió, không mưa, tạo lớp sương mù nên việc khuếch tán bụi mịn ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng không khí.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, TP. Hà Nội có 11 trạm quan trắc không khí theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quan trắc về tất cả các tiêu chuẩn của không khí. Các chỉ số NO2, SO2 đều đạt tiêu chuẩn, riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng.

TP. Hà Nội xác định việc công bố chất lượng không khí là việc thường xuyên, hằng ngày, cứ 5 phút/lần các trạm đo sẽ chuyển thông số về để tổng hợp. Thông tin được đăng tải hằng ngày trên các báo như Hà Nội mới, An ninh thủ đô, Công an nhân dân… đều cập nhật chất lượng không khí của Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, bên cạnh việc đo chất lượng không khí thì còn cần phải xác định nguồn rác thải làm ô nhiễm. Các nguyên nhân đã được TP. Hà Nội xác định gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đại diện Lãnh đạo Thành phố cũng chỉ ra các nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng không khí như: Đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Về định hướng giải pháp, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp như: Lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí, phấn đấu đến năm 2020 sẽ lắp xong 25 trạm; tập trung xử lý các nguồn xả thải, xử lý nước thải, các nhà máy đốt rác, kiểm soát các phương tiện đang xả thải ra môi trường… giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ phát động chương trình Cánh đồng không đốt rơm rạ để giảm việc đốt rơm rạ của các địa bàn lân cận làm ô nhiễm không khí.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, trước thực trạng ô nhiễm môi trường một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo TP. Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể hơn khắc phục tình trạng ô nhiễm, không thể để ô nhiễm khiến người dân thủ đô bức xúc như vừa qua.

Trong đó phải tính đến các giải pháp như di dời các nhà máy khỏi nội đô, hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, kiểm soát những xe cũ nát, phát triển hệ thống cây xanh...

Hà Nội xác định nguyên nhân gây ô nhiễm không khí những ngày qua
Với 12 nguồn phát thải chính như khí thải phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, bếp than tổ ong; bụi từ hoạt động xây dựng; bụi từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư