Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Chất vấn các Bộ trưởng tại Quốc hội: Đã chọn đúng và trúng lĩnh vực
Mạnh Bôn - 10/06/2015 07:41
 
Ngày mai (11/6), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày. Mặc dù là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhưng ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tin rằng, phiên chất vấn này sẽ nóng không kém các phiên chất vấn trước đây.

Người Việt thường có tâm lý “chợ chiều”. Vì vậy, nhiều người cho rằng, phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII chắc chắn sẽ không nóng bằng các phiên trước. Ông có nghĩ thế không?

Tôi và các đại biểu Quốc hội - những người có cơ hội trực tiếp chất vấn các thành viên Chính phủ - không nghĩ như vậy, vì thời gian chất vấn có hạn, đại biểu nào cũng muốn được chất vấn, chất vấn nhiều vấn đề và vấn đề nào cũng muốn đi đến tận cùng.

Trong khuôn khổ thời gian có hạn, người trả lời cũng muốn làm rõ tất cả các vấn đề mà đại biểu đặt ra, chưa kể, cũng nhân dịp diễn đàn, lãnh đạo ngành cũng muốn báo cáo với Quốc hội, với cử tri và nhân dân cả nước những công việc đã làm được từ lần chất vấn trước; những gì chưa làm được, vướng mắc ở đâu, cần phải tháo gỡ thế nào… để Quốc hội, cử tri và nhân dân hiểu, chia sẻ.

Chính vì vậy, bất cứ phiên chất vấn nào cũng sôi động, cũng rất nóng, bất kể là phiên chất vấn đầu tiên hay cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội.

 

Ngoài ra, các câu hỏi đặt ra đều là những vấn đề nóng được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nên cả người hỏi và người trả lời luôn luôn cảm thấy bị thiếu thời gian chất vấn. Thực tế chất vấn cho thấy, rất nhiều đại biểu bấm nút đăng ký, nhưng không đến lượt, vì vậy, chất vấn lần nào cũng nóng.

Lần này không phải là ngoại lệ.

Án oan sai, bồi thường oan sai; an ninh trật tự xã hội rất bức xúc; tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng… đều là vấn đề rất nóng, nhưng không được chọn làm chủ đề chất vấn. Vì thế, dư luận có lý do để tin rằng, phiên chất vấn lần này có thể sẽ “nhạt”?

Đúng là các vấn đề kể trên vấn đề nào cũng nóng và còn rất nhiều vấn đề khác nữa cũng nóng không kém. Nhưng ai bảo nông nghiệp, nông thôn; công thương; giáo dục, đào tạo; khoa học - công nghệ không nóng?

Tại phiên thảo luận tại tổ, cũng như tại hội trường, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu bày tỏ sự lo lắng liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Bản thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, với tư cách là người lãnh đạo cơ quan có chức năng tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế… cũng bày tỏ sự lo lắng về tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp, vì trong 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kế hoạch.

Điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra nhiều năm, nhưng chưa năm nào phải vận động mua hành tím và dưa hấu như năm nay. Vì thế, vấn đề công thương cũng sẽ rất nóng.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ thì sao, thưa ông?

Đổi mới chương trình sách giáo khoa chưa tiến hành, thì năm nay ngành giáo dục lại đổi mới kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh, hàng triệu gia đình nên vấn đề này cũng được cử tri đặc biệt quan tâm, mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải đáp thỏa đáng khi chất vấn.

Còn lĩnh vực khoa học - công nghệ chắc chắn cũng rất nóng, vì cánh cửa hội nhập quốc tế đã mở toang, trong khi năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, sức cạnh tranh quá yếu do áp dụng khoa học công nghệ thấp nên vấn đề này chắc chắn cũng rất nóng khi đem ra chất vấn.

Tôi cho rằng, chọn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công thương; giáo dục, đào tạo; khoa học - công nghệ để chất vấn tại Kỳ họp này rất trúng, rất đúng vì đều là những vấn đề được Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Còn bản thân ông dự định sẽ chất vấn điều gì?

Trước khi Kỳ họp Quốc hội thứ 9 diễn ra, tôi và các thành viên Đoàn đại biểu Thái Bình đã lắng nghe, tổng hợp ý kiến của cử tri; cộng đồng doanh nghiệp và của người dân Thái Bình nên những câu hỏi dự kiến chất vấn liên quan đến xây dựng nông thôn mới; chính sách, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để hạn chế tình trạng được mùa rớt giá; áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu; quy hoạch sản xuất nông nghiệp làm sao để tránh tình trạng “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” dẫn đến sản phẩm cà phê, cao su, dưa hấu, gạo… dư thừa, bị ép giá.

Các câu hỏi trên ông chỉ có thể chất vấn thành viên Chính phủ. Ở tầm vĩ mô hơn, nếu chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì ông sẽ chất vấn nội dung gì?

Nếu có cơ hội, tôi sẽ chất vấn về những quyết sách mạnh dạn hơn, táo bạo hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016 - 2021. Trong đó, tôi muốn biết cụ thể, trong giai đoạn tới, công nghiệp phát triển theo hướng nào, nông nghiệp tái cơ cấu ra sao, chuẩn bị gì cho hội nhập kinh tế…

4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn những vấn đề nóng
Bắt đầu từ hôm nay (17.11), 4 vị bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư