Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Chất vấn và chất lượng chất vấn
Nguyên Đức - 11/06/2014 07:18
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, vào chiều hôm qua (10/6/2014), là vị bộ trưởng đầu tiên đăng đàn, mở đầu cho lịch trình hơn 2 ngày trả lời chất vấn trước Quốc hội của các thành viên Chính phủ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Không tăng áp lực nợ
Đại biểu quyết “đòi nợ” Bộ Tài chính - Công thương
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ còn 4 món nợ lớn với cử tri
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lần đầu trả lời chất vấn

Thêm một lần nữa dư luận chờ đợi, các vấn đề nóng hổi của cuộc sống, của nền kinh tế được các bộ trưởng giải đáp thỏa đáng và có biện pháp khả khi để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

  Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn - ảnh 1  
  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 10/6/2014  

Lần này, ngoài Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, còn có phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Sau khi các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cũng sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Nhìn vào lịch trình công tác của Quốc hội, có thể thấy, hàng loạt vấn đề, như nợ công, thu - chi ngân sách, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước, cả công tác chống chuyển giá, nợ đọng xây dựng cơ bản, rồi chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề, việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa… sẽ được đưa ra chất vấn.

Cả tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các vấn đề liên quan công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, công tác thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng… cũng sẽ được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ.

Như vậy, không chỉ các vấn đề kinh tế, mà cả chuyện đổi mới giáo dục, hay phòng chống tham nhũng… đã được đại biểu Quốc hội, cũng như đông đảo cử tri cả nước hết sức quan tâm. Nói cụ thể hơn, thì đó có chuyện nợ công tăng nhanh, gây áp lực đến công tác trả nợ; chuyện đổi mới giáo dục, mặc dù từ nhiều năm nay đã được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, cũng như trong các hội thảo chuyên ngành, nhưng bức xúc trong xã hội vẫn còn lớn, khi chất lượng đào tạo kém, công tác đổi mới giáo dục liên tục được thực hiện với ngân khoản lớn, nhưng chưa kiệu quả, thậm chí dậm chân tại chỗ…

Vì thế, cử tri cả nước đang mong đợi phiên chất vấn ở nghị trường của Quốc hội lần này sẽ tập trung hơn vào các vấn đề sát sườn, nóng hổi của thực tiễn cuộc sống. Để đạt được điều đó, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, cũng như nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ.

Cử tri mong muốn, qua trả lời chất vấn, những người đứng đầu các ngành phải đưa ra được những giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành, chứ không thể chỉ là trả lời một cách chung chung, không thẳng thắn nhận trách nhiệm, thậm chí chỉ trả lời mang tính chất “biện hộ” như đã từng xảy ra ở một số phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội trước.

Chỉ khi chất vấn và trả lời chất vấn một cách thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, đề cập đúng các vấn đề phải giải quyết, mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, thì khi ấy, các phiên chất vấn tại Quốc hội mới thực sự có ý nghĩa và đáp ứng được mong muốn của cử tri cả nước.

Bên cạnh đó, một điều không thể không nhắc tới, đó là cũng cần đánh giá và kiểm điểm lại lời hứa của các bộ trưởng tại các phiên chất vấn trước đây. Chỉ khi lời hứa của các vị bộ trưởng được thực hiện nghiêm túc, chất vấn mới thực sự có chất lượng và hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư