Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Chi tiêu của Nhà nước là “củ cà rốt lớn” thúc doanh nghiệp chuyển đổi số và xanh
Khánh Linh - 17/10/2024 08:55
 
Vai trò của Nhà nước trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có phải chỉ là xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp?

Đêm trước của kỷ nguyên mới

Vai trò của Nhà nước trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có phải chỉ là tạo dựng khung khổ pháp lý thông qua xây dựng cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng... ?

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam 

Là chuyên gia duy nhất đặt câu hỏi từ khán phòng, song TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam lại xới lên các vấn đề cần thảo luận tại Diễn đàn kinh tế mới 2024  với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 16/10.

“Nhà nước còn có vai trò là bên người tiêu dùng lớn, bên cạnh vai trò tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hàng triệu tỷ đồng chi tiêu mỗi năm qua đầu tư công, chi tiêu thường xuyên chính là “củ cà rốt lớn” để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi”, TS. Bình bày tỏ quan điểm.

Trước đó, Diễn đàn nóng lên với câu hỏi đã đến thời điểm chuyển mình thực sự của nền kinh tế Việt Nam, để bước vào kỷ nguyên phát triển mới hay không. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, Việt Nam đang ở “đêm trước” của chuyển đổi kép, của kỷ nguyên phát triển mới  – tương tự như giai đoạn 40 năm trước, trước khi Đổi mới năm 1986 chính thức được khởi xướng.

Theo mô hình tăng trưởng của Rostow mà các chuyên gia kinh tế đưa ra phân tích, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn thứ 2 trong 5 bước phát triển, nghĩa là ở giai đoạn tiền công nghiệp, với tiêu chí là bắt đầu phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp.

Bước tiếp theo mà Việt Nam đang đứng ở ngưỡng của là xã hội công nghiệp, với tiêu chí là chuyển dịch từ ngành công nghiệp chế tạo sang công nghiệp dịch vụ và công nghiệp hiện đại hơn, dựa trên đổi mới công nghệ và tập trung nghiên cứu và phát triển. Bước thứ tư là hình thành các ngành công nghệ cao.

Bước cao nhất trong mô hình này là xã hội hiện đại, dựa trên đổi mới và phát triển bền vững, với tiêu chí là đổi mới liên tục, bứt phá trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và các ngành dịch vụ cao, đáp ứng yêu cầu cao của thế giới và xu thế phát triển mới.

“Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự đứt gãy, nhưng mang đến sự thay đổi có tính cấu trúc,, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm then chốt. Đó là phải thay đổi, phải phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất. Đoàn tàu tăng trưởng đang đến rất nhanh, nếu bỏ lỡ, sẽ mất nhiều thời gian để bắt kịp”, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM bày tỏ quan điểm.

"Cây gậy và củ cà rốt"

Trong sự chuyển dịch này, doanh nghiệp được xác định có vai trò tiên phong. Tuy nhiên, để doanh nghiệp làm được việc này, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng,  Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo cuộc chơi, tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ người tiên phong.

“Nếu họ thất bại thì phải là thất bại do thị trường chứ không phải là do pháp lý, do cơ chế, chính sách”, ông Bảo nhấn mạnh quan điểm. Tương tự, cơ chế tiếp cận nguồn lực cũng phải được thực hiện theo hướng ưu tiên ý tưởng đổi mới, sáng tạo... chứ không phải là ai cũng nghĩ đến bất động sản để làm giàu...

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV có góc nhìn thực tế hơn, trước mắt và lâu dài. “Trước mắt, doanh nghiệp đang mong chờ 3 thứ từ cơ quan Đảng và Nhà nước”, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV 

Một là danh mục phân loại xanh. “Đã 2 năm nay vẫn chưa có. Phải có thì mới có tài chính xanh, tín dụng xanh...”, TS. Lực trăn trở.

Danh mục phân loại xanh là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường. Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh, trình Chính phủ ban hành trước 31/12/2022. Tuy nhiên, tới nay, bộ tiêu chí này vẫn chưa được ban hành. 

Hai là Đề án kinh tế tuần hoàn, nhưng đến giờ vẫn chưa có chương trình hành động cụ thể. Sự chậm trễ, theo TS. Cần Văn Lực, khiến nền kinh tế mất nhiều cơ hội, trong đó có cả cơ hội tăng trưởng GDP 6,5-7% không quá áp lực.

Ba là khơi thông nguồn lực. “Tôi nhìn thị trường đất đai, thị trường bất động sản và nhiều thị trường khác, còn nhiều lãng phí, nếu khơi thông được cơ chế, chính sách, nguồn lực sẽ rất lớn”, ông Lực nói.

Về lâu dài, vị chuyên gia nhắc đến kiến nghị thành lập Ủy ban năng suất quốc gia; cần cơ chế sandbox để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển AI... nhưng đã 3 năm chưa có; cần Luật Khoa học - Công nghệ, Luật Công nghiệp công nghệ số - nền tảng phát triển chuyển đổi số.

“Doanh nghiệp cần nguồn lực hỗ trợ ngoài cơ chế, chính sách. Cần thành lập quỹ chuyển đổi xanh để khuyến khích lĩnh vực nào đi nhanh hơn trong chuyển đổi xanh. Đó là củ cà rốt. Nhưng cần cả cây gậy, đó là Luật Bảo vệ môi trường. Đã đến lúc thực hiện phân loại rác thải, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa làm được”, TS. Cấn Văn Lực gửi nhiều khuyến nghị.

Ở góc độ thực tiễn, TS. Thiều Phương Nam Tổng giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia chia sẻ sự đồng thuận với TS. Lê Duy Bình. “5 năm qua, khi làm việc với các startup của Việt Nam, chúng tôi rất ấn tượng với các ý tưởng sáng tạo của họ. Nhưng nhiều dự án chưa làm được vì một mặt chưa có cơ chế, một mặt cũng cần hỗ trợ về thị trường.

“Nhà nước là khách hàng lớn, nếu đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam, thì đó là động lực rất lớn cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...”, ông Nam đề xuất.

Thậm chí, các chuyên gia cho tằng, tiêu dùng công là cách thưc chia sẻ rủi ro trong quá trình khởi nghiệp hay đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. “Nếu các cơ quan nhà nước dùng xe điện thì đó là thị trường khổng lồ cho VinFast. Nếu không khích thích thị trường tái chế thì không có cơ hội cho doanh nghiệp tái chế”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM bày tỏ quan điểm.

Việt Nam cần các chính sách dài hạn để phát triển kinh tế tuần hoàn
Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư