Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Việt Nam cần các chính sách dài hạn để phát triển kinh tế tuần hoàn
Thanh Sơn - 12/09/2024 17:16
 
Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (12/9) tại TP. Hải Phòng.

Diễn đàn do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường biển - Go Circular”.

Diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam”. Ảnh: Thanh Sơn

Diễn đàn tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đồng thời cập nhập những diễn biến chính sách mới trên thế giới.

Diễn đàn cũng thảo luận về cách thức điều phối, phối hợp hành động để xay dựng chỉ số và tiêu chí kinh tế tuần hoàn cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tiễn cũng như những giải pháp đột phá, khả thi nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sau hơn hai năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ tại Quyết định số 687, chúng ta đã được triển khai và mang lại những kết quả tích cực, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn được triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy hiện thực hóa và phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, năng lượng điện sinh khối.

Nhiều mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng; nhiều ngành đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp (như tái chế giấy vụn, đồ nhựa, sắt, thép...).

Dù vậy, thực tiễn cho thấy một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn còn chưa hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ ở cả cấp Trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn cho việc thực thi. Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, việc tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn

Báo cáo kết quả thực hiện và định hướng nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, bước đầu đã hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, các sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh, đặc biệt là thị trường vốn cho kinh tế tuần hoàn.

Đến 30/6/2024, 50 tổ chức tín dụng báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 650.300 tỷ đồng, trong đó năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm trên 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%). Thúc đẩy sự ra đời và phát triển của của các sáng kiến/mô hình kinh tế tuần hoàn trên thực tiễn, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng; trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Kinh tế tuần hoàn là một phần thiết yếu của nền kinh tế xanh và do đó đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Dự thảo nghị định thử nghiệm kinh tế tuần hoàn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Chiến lược kinh tế tuần hoàn quốc gia của Bộ Tài nguyên Môi trường, cũng như ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chủ động theo đuổi các phương pháp tiếp cận tuần hoàn là một số ví dụ về tình hình phát triển của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Hải Phòng là trung tâm công nghiệp quan trọng của Việt Nam và do đó là một địa điểm phù hợp để phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.

Bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm của Đức trong cả khu vực nhà nước và tư nhân, những thách thức và giải pháp cho nền kinh tế tuần hoàn, để Việt Nam có thể phát triển mô hình riêng cho mình. Mỗi quốc gia và mỗi lĩnh vực đều cần chính sách kinh tế tuần hoàn phù hợp với thực tế của nền kinh tế, do đó thay mặt Chính phủ Đức, GIZ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, nguyên liệu thô và tái chế”.

Bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thanh Sơn

Là quốc gia sản xuất và là đối tác thương mại quan trọng của Đức và Liên minh Châu Âu, với khu vực kinh tế tư nhân năng động dưới sự lãnh đạo quyết tâm cao của chính phủ, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm sản xuất xanh, tái chế, sửa chữa và thiết kế lại các sản phẩm và dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở góc độ địa phương, bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho rằng, để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tuần hoàn tại địa phương, các cơ quan Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành đồng bộ, toàn diện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chính sách áp dụng cho hoạt động tái sử dụng chất thải, nước thải, năng lượng tái tạo. Có quy hoạch tốt các khu công nghiệp, đặc biệt ưu tiên các khu công nghiệp định hướng khu công nghiệp sinh thải, đảm báo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định.

Tạo các cơ chế khuyến khích cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị, khuyến khích sử dụng hạ tầng chung, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn. Đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế UNIDO, SECO thông qua các chương trình, dự án về triển khai, đẩy mạnh phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái.

Phiên tọa đàm Xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu đo lường và tình hình đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn

Đối với doanh nghiệp, ông Bruno Jaspeart, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ: “Chúng tôi là những người đi tiên phong trong việc phát triển khu công nghiệp sinh thái và chính sách mà Bộ Kế hoạch Đầu tư và chính sách của UNIDO đưa ra. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là thiếu những quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển. Vì vậy, để xây dựng một khu công nghiệp xanh và sinh thái sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Hiện, vẫn chưa có những quy định rõ ràng về khu công nghiệp sinh thái. Tất cả mới dừng ở mức định nghĩa và nêu chức năng của khu công nghiệp sinh thái. Vì vậy, trong quá trình các dự án chuyển đổi vẫn gặp phải nhiều thách thức khi vừa làm phải vừa học, nhiều thứ mới nên chưa có hướng dẫn cụ thể hay giấy phép từ cơ quan có thẩm quyền”.

Vẫn theo ông Bruno Jaspeart, chúng ta cần có bộ tiêu chuẩn quy chuẩn đồng bộ để áp dụng cho khu công nghiệp sinh thái như quy hoạch theo quy chuẩn nào, tiêu chuẩn tái sử dụng nước thải như thế nào. Nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt thì kinh tế tuần hoàn sẽ rất khó vận hành và phát triển. Vì vậy, việc có một bộ tiêu chí cụ thể sẽ giúp hướng dẫn các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C là đơn vị tiên phong, kiên trì với định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Huy Dung

Bà Mira Nagy, Giám đốc triển khai Hướng tới Tuần hoàn tại Việt Nam, GIZ khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nâng cao nhận thức trong khu vực tư nhân thông qua các tổ chức nhân rộng về khái niệm và lợi ích của kinh tế tuần hoàn cũng như các quy định. Phát triển cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải tại Việt Nam, cũng như các giải pháp đầu nguồn. Giảm các rào cản pháp lý như thủ tục xin giấy phép môi trường kéo dài, lệnh cấm sử dụng vật liệu thải, hạn chế nhập khẩu phế liệu. Khuyến khích và trợ cấp cho các DN thực hiện các bước hướng tới KTTH, tạo điều kiện và khuyến khích hợp tác, cũng như tham gia vào các cuộc tham vấn của EU. Tận dụng tài chính/đầu tư (bao gồm thu hút FDI) cho hoạt động R&D, công nghệ mới và đào tạo kỹ năng.

Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực trong phát triển kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước thuộc khu vực EU.

Trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thực hiện một cách quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đó là, Việt Nam cần tiếp tục ban hành, thực hiện các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể. Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Ngoài ra, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn để trở thành một động lực quan trọng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Hải Phòng cảnh báo lũ cấp 2 trên các sông, nhiều tuyến phố nội thành bị ngập
Do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn và mưa từ chiều tối 10/9 đến trưa 11/9, nhiều tuyến phố ở Hải Phòng ngập lụt cục bộ, lượng nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư