Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Chiến lược M&A thông minh của một ngân hàng tư nhân top 5 vốn điều lệ
Thùy Liên - 21/11/2023 14:41
 
Đến nay, SHB là ngân hàng niêm yết duy nhất sáp nhập một ngân hàng niêm yết khác, là ngân hàng duy nhất vừa M&A ngân hàng, vừa M&A công ty tài chính… Chiến lược M&A giúp SHB có bước nhảy vọt về quy mô sau 30 năm thành lập.
f
Quy mô vốn của SHB tăng 90.000 lần sau 30 năm thành lập, một phần nhờ chiến lược M&A thông minh

Từ một ngân hàng nông thôn vốn điều lệ vỏn vẹn 400 triệu đồng đến ngân hàng TMCP tư nhân top 5 hệ thống về vốn điều lệ, SHB đã có bước nhảy vọt về quy mô sau 30 năm thành lập. Sự bứt phá ngoạn mục về vốn của SHB một phần nhờ chiến lược M&A vô cùng thông minh và táo bạo.

Thương vụ sáp nhập ngoạn mục giữa 2 ngân hàng trên sàn chứng khoán và sự bứt phá của SHB

Thống kê của NHNN cho thấy, tính tới thời điểm 30/9/2023, có 5 ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ cao nhất gồm: VPBank, MB, ACB, SHB, Techcombank. Trong những cái tên này, SHB là trường hợp duy nhất có quá trình lột xác mạnh mẽ từ một ngân hàng TMCP nông thôn lên thành thị, vốn điều lệ tăng hàng chục nghìn lần trong vòng 30 năm qua.

Thành lập cách đây 30 năm, ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái khi đó là một ngân hàng nông thôn do ông Trần Ngọc Linh làm chủ, hoạt động ở địa bàn Cần Thơ. Cú đổi chủ năm 2005 đưa Nhơn Ái vượt lên khỏi tầm nhìn một ngân hàng nông thôn, chính thức trở thành ngân hàng đô thị và đổi tên thành SHB, bắt đầu vươn rộng quy mô hoạt động khắp cả nước.

Mối nhân duyên khởi nguồn khi ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB hiện nay - vào Cần Thơ gặp ông Trần Ngọc Linh vào năm 2005. Thời điểm đó, có rất nhiều tập đoàn kinh tế đến đặt vấn đề và góp vốn với ngân hàng nông thôn Nhơn Ái nhưng đều không thành công. Đến khi gặp ông Hiển, ông Linh đã thấy được sự tin tưởng, yên tâm và quyết định đặt vào tay ông Hiển Ngân hàng Nhơn Ái – nơi gắn bó gần như máu thịt của mình.

“Tôi chọn ông Đỗ Quang Hiển. Thứ nhất là tâm của ông Hiển yêu mến ngân hàng. Thứ hai là ông Hiển có tầm nhìn, có thể nâng Ngân hàng Nhơn Ái phát triển thành một ngân hàng lớn”, ông Trần Ngọc Linh chia sẻ.

Sự lớn mạnh của SHB sau 18 năm đổi chủ là minh chứng cho lựa chọn đúng của ông chủ ngân hàng Nhơn Ái khi chọn mặt gửi vàng. Từ ngân hàng nông thôn có vốn điều lệ 400 triệu đồng, SHB hiện nay đã vó vốn điều lệ gần 37.000 tỷ đồng, đứng trong top 5 ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Có được sự bứt phát mạnh mẽ này một phần nhờ chiến lược M&A hết sức thông minh và táo bạo của ngân hàng này.

f
SHB - Habubank: thương vụ sáp nhập duy nhất giữa hai ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tính tới nay

Năm 2012, khi công cuộc tái cơ cấu ngân hàng bước vào giai đoạn nước rút, thị trường ngân hàng rúng động bởi thương vụ sáp nhập giữa hai ngân hàng niêm yết: SHB và Habubank. Tính đến nay, đây vẫn là thương vụ sáp nhập ngoạn mục và duy nhất ở Việt Nam: sáp nhập thành công 2 ngân hàng cùng niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây cũng là thương vụ sáp nhập thành công hiếm hoi giữa một ngân hàng khỏe và ngân hàng yếu, đặc biệt là hai ngân hàng lại có quy mô vốn điều lệ, mạng lưới, tương đương lẫn nhau.

“Tất nhiên, các thương vụ sáp nhập, tiếp quản khác nhau đều có đặc thù riêng, song chúng tôi tự tin là đến nay, công cuộc sáp nhập đã thành công. Gần như tất cả các cán bộ nhân viên Habubank vẫn ở lại gắn bó với SHB. Đó là cuộc sáp nhập rất thành công từ con người, từ tác động xã hội và sau đó là sự phát triển”, bà Ngô Thu Hà – Tổng Giám đốc SHB chia sẻ

Không chỉ với thương vụ sáp nhập Habubank, SHB còn thể hiện sự táo bạo, quyết liệt của mình trong chiến lược M&A Công ty tài chính Vinaconex- Viettel, sau đó thành lập Công ty tài chính tiêu dùng SHBFinance. Hai thương vụ sáp nhập này (sáp nhập Habubank và Công ty Vinaconex – Viettel) diễn ra vỏn vẹn chỉ trong vòng 5 năm cho thấy tiềm lực và quyết tâm của SHB trong việc mở rộng quy mô hoạt động.

Hậu hai thương vụ sáp nhập, không chỉ vốn điều lệ của SHB tăng lên, đứng vào nhóm ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống mà thương vụ mua lại Công ty tài chính Vinaconex- Viettel của SHB cũng chứng minh là một khoản đầu tư “một vốn bốn lời”. Năm 2021, SHB đã ký thành công hợp đồng chuyển nhượng vốn công ty này cho đối tác Krungsri (Thái Lan). Theo tiết lộ của Krungsri, ngân hàng này chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng để mua lại SHB Finance, tức gấp 3,5 lần vốn điều lệ của SHBFinance.

Thương vụ này giúp SHB mang về nguồn vốn khủng để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn.

Sẵn sàng cho giai đoạn bứt phá

Cho đến nay, SHB cũng là ngân hàng duy nhất nhận sáp nhập cả ngân hàng và công ty tài chính. Song nhìn lại, việc sáp nhập cả ngân hàng lẫn công ty tài chính thời điểm đó là thử thách lớn đối với SHB khi đồng thời phải đối mặt với nhiều biến động của thị trường cũng như xử lý những tồn tại, bất cập của các tổ chức sáp nhập. “SHB đã phải dành nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ hoạt động kinh doanh để giải quyết những tồn tại đó” – Bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB cho biết.

SHB mất 10 năm vừa xử lý các tồn tại, vừa tích lũy nội lực để quá trình hoạt động đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững. Và đến năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn. 

Sau thời gian bền bỉ tích lũy đó, SHB đã có nền tảng vững chắc: tiềm lực tài chính vững mạnh, là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân có mạng lưới hùng hậu nhất, kể cả trong và ngoài nước. Cụ thể, SHB là ngân hàng cổ phần đầu tiên có chi nhánh ở cả Lào và Campuchia và sau đó thành lập ngân hàng con tại 2 quốc gia tại Đông Dương, đồng thời mở Văn phòng đại diện tại Myanmar.

Đó chính là nền tảng để bứt phá, là điều kiện để công cuộc chuyển đổi của SHB bây giờ mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, là tiền đề để ngân hàng đặt ra những mục tiêu tham vọng: tới năm 2027 sẽ trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu và là ngân hàng số được yêu thích nhất, tầm nhìn đến 2035 trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu khu vực đồng thời có kế hoạch vươn xa hơn nữa ra các thị trường châu Úc, châu Âu, châu Phi.

f
SHB đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài

Để hiện thực hóa các mục tiêu, SHB đang bám sát 4 trụ cột lớn cho chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện giai đoạn 2022-2027 là: Đổi mới thể chế và cơ chế; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Con người là chủ thể; Nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Sự phát triển của SHB thu hút nhiều sự quan tâm không chỉ trong nước mà còn trên thị trường tài chính quốc tế. Theo nguồn tin của Reuters, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đang quan tâm đến thương vụ chào bán 20% cổ phần cho đối tác ngoại của SHB. Thỏa thuận tiềm năng có thể định giá ngân hàng có thể ở mức 2-2,2 tỷ USD. Nếu thương vụ này thành công và mức định giá này được các bên thông qua, SHB sẽ thu về hàng trăm triệu USD.

Đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, SHB vẫn chọn những bước đi thận trọng và chắc chắn. Đại diện SHB cho biết ngân hàng vẫn đang tích cực đàm phán với các tập đoàn, các định chế tài chính lớn không chỉ trong khu vực châu Á mà trên toàn thế giớ, với mục tiêu đảm bảo tối đa lợi ích cho ngân hàng và cho cổ đông.

Tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược của SHB là các tổ chức, định chế tài chính: thứ nhất là “môn đăng hộ đối”, có cùng quy mô trở lên, có uy tín, năng lực tài chính tốt; đáp ứng các quy định chặt chẽ của NHNN; có chiến lược đầu tư ra nước ngoài rõ ràng và có thế mạnh riêng để cùng nhau phát triển…

“Hành trình tiếp theo sẽ là bước đổi mới đột phá trong hoạt động kinh doanh để SHB ngày càng phát triển mạnh mẽ, phù hợp và xứng với quy mô mình đang có. Tuy nhiên, việc phát triển cũng phải chia thành nhiều giai đoạn, và triển khai từng bước, an toàn, bền vững chứ không “cá chép hóa rồng” – tăng trưởng đột biến ngay được”, lãnh đạo SHB cho biết.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SHB luôn được nhà đầu tư quan tâm bởi ngân hàng luôn chi trả cổ tức đều đặn cho cổ đông hàng năm, riêng 2022, SHb sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Được biết, SHB cũng là một trong những ngân hàng niêm yết đầu tiên trên sàn chứng khoán. Hiện SHB đang thuộc Top đầu các doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất với hơn 70.000 cổ đông và cổ phiếu ngân hàng này nằm trong danh sách VN30 - đại diện cho nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường, nhờ đáp ứng các tiêu chí quan trọng về quy mô và chất lượng…

SHB: Lợi nhuận 9 tháng đạt 80% kế hoạch năm
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế hoàn thành 80% kế hoạch Đại hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư