Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chiêu thức chuyển nợ thành vốn cổ phần
Vũ Anh - 14/06/2013 09:24
 
Thôn tính, mở rộng kinh doanh theo chiều dọc là những chiến lược mà các chủ nợ thường tính đến khi áp dụng chiêu thức chuyển nợ thành vốn cổ phần.
TIN LIÊN QUAN
Ông Lương Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACIC là người chơi chính của tuần này

Tiếp nối thương vụ sáp nhập thành công Ngân hàng Habubank, Ngân hàng SHB lại một lần nữa khẳng định được vị trí, kinh nghiệm và năng lực của mình trong nghiệp vụ mua bán, tái cấu trúc doanh nghiệp tại Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco). Sau khi chuyển vốn vay nợ thành vốn cổ phần, SHB đã sở hữu tới 25 triệu cổ phần, bằng 50% vốn điều lệ của Bianfishco.

Lãnh đạo Bianfishco dự kiến, năm nay, sản lượng của Công ty sẽ tăng gấp 2,5 lần công suất hiện tại (khoảng 250 tấn nguyên liệu/ngày), số lượng thành phẩm khoảng 5 container/ngày, số lượng xuất khẩu khoảng 1.500 container 40 feet/năm với kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD. Rõ ràng, hoạt động tái cấu trúc, với những bước đi bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, đang mở ra triển vọng kinh doanh khả quan cho Bianfishco. Một số doanh nghiệp nằm trong diện nợ xấu đã hoạt động trở lại kể từ khi SHB tham gia quá trình tái cấu trúc.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiêu thức trên, trong đó, nhiều tên tuổi đình đám như Tập đoàn Thái Hòa, Công ty cổ phần Đường Kon Tum, Công ty Sadico Cần Thơ, Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng)… với các món nợ xấu đã được loại bỏ. Thậm chí, một số trường hợp sau khi được các chủ nợ “làm đẹp”, “con nợ” lại dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mới để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, phương án “giảm nợ tăng vốn” trên, một mặt giúp ngân hàng thoát khỏi các khoản nợ xấu, một mặt giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề thanh khoản. Dù đây được cho là xu hướng trong thời gian tới, do rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất khả năng trả nợ, nhưng đối với chủ nợ là các ngân hàng, thì mọi chuyện không đơn giản như vậy và cần thời gian vài năm nữa mới thẩm định được.

Theo nhiều chuyên gia, khả năng các ngân hàng tham gia điều hành, kinh doanh là rất thấp, vì họ không có chuyên môn. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ nợ sang vốn cổ phần đối với phần đông ngân hàng Việt Nam chỉ là biện pháp kỹ thuật, để lách khoản nợ xấu trên bảng cân đối kế toán.

Song đối với những ngân hàng con của một tập đoàn có một công ty khác cùng ngành thì hoàn toàn có thể. Do vậy, cũng không loại trừ khả năng, các tập đoàn lớn thông qua con đường này để thôn tính những doanh nghiệp tiềm năng.

Bên cạnh đó, nếu chủ nợ của doanh nghiệp là nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào hoặc dịch vụ thì có thể đây là cơ hội để họ mở rộng kinh doanh theo chiều dọc. Tuy nhiên, khi áp dụng chiêu thức này, các chủ nợ cần xem xét lại chiến lược của công ty. Từ đó, có thể quyết định có áp dụng hay không và trong khoảng thời gian bao lâu thì bán lại cho đối tác khác, để tránh sa đà vào đầu tư ngoài ngành.

Một công ty sản xuất điện tử đang bị một đối tác phân phối hàng điện tử gia dụng nợ một khoản tiền khoảng 24 tỷ đồng. Sau nhiều lần thúc ép đòi nợ, đối tác này đưa ra đề nghị chuyển số nợ này thành khoản góp vốn đầu tư tương đương tỷ lệ 24% cổ phần của công ty họ.

Có ý kiến cho rằng, công ty nên đồng ý với đề nghị này, thậm chí còn cho rằng, công ty nên đầu tư thêm 2 tỷ đồng để nâng lên tỷ lệ góp vốn lên 26% và nắm được quyền phủ quyết tại công ty này. Nhưng có ý kiến lại lo ngại công ty đối tác này đang gặp nhiều khó khăn, nếu bỏ tiền vào đây sẽ rất mạo hiểm. Nếu bạn là CEO của công ty, bạn sẽ lựa chọn giải pháp nào để trình lên HĐQT?

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phiên bản 2012, phát sóng trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật (16/6) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (17/6) sẽ giúp bạn tìm ra phần nào câu trả lời cho vấn đề nóng này. Báo Đầu tư là đơn vị liên kết nội dung của chương trình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư