Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Chính phủ bảo vệ phương án "đổi vai" trong giải trình, tiếp thu luật
Nguyễn Lê - 23/03/2020 16:45
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không "đổi vai" cơ quan giải trình, tiếp thu luật từ Quốc hội như hiện hành sang Chính phủ, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ vẫn muốn trình cả phương án "đổi vai".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không "đổi vai" cơ quan giải trình, tiếp thu luật từ Quốc hội như hiện hành sang Chính phủ, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ vẫn muốn trình cả phương án "đổi vai".

.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tiếp tục phiên họp thứ 43, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, vấn đề được đại biểu Quốc hội rất quan tâm khi thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban này đã phối hợp với Bộ Tư pháp chỉnh sửa quy định của dự thảo luật theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 41.

Đồng thời, dự thảo luật đã được bổ sung một số quy định cho thống nhất và phù hợp với thực tế đang thực hiện. Cụ thể, bổ sung quy định cơ quan soạn thảo, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu, dự kiến sơ bộ nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội để gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận tại Hội trường.

Đối với các dự án luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp hoặc 3 kỳ họp, quy định cụ thể thời hạn cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Quốc hội kết thúc thảo luận Hội trường.

Gom lại 14 phát biểu sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Pháp luật,  Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rõ, trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết sẽ giữ như quy định hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan tổ chức tiếp thu còn giúp Thường vụ Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật. Nhưng nếu Chính phủ vẫn giữ quan điểm ban đầu thì sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trả lời ngay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chính thức là giữ hai phương án để Quốc hội quyết định.

Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, bên cạnh phương án cơ bản giữ như luật hiện hành, Chính phủ đề xuất phương án mới là: Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Nếu Chính phủ vẫn muốn giữ hai phương án thì sẽ trình cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Bên cạnh nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào Điều 6 một khoản quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận) trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ thời điểm phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản và văn bản phản biện xã hội phải được gửi kèm theo hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền; một số nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội được thực hiện theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Rất băn khoăn về loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư