Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Chính sách thuế có thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế?
Mạnh Bôn - 29/11/2017 07:41
 
Hiện có một số quan điểm cho rằng, chính sách thu ngân sách hiện chưa đảm bảo bình đẳng giữa khu vực trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, chính sách thuế của Việt Nam ưu tiên doanh nghiệp FDI. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Sau 30 năm kể từ khi Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI đóng góp vào GDP từ mức khoảng 1% năm 1992 đã tăng lên 15,15% GDP vào năm 2010 và 18,59% năm 2016. Nhờ sự đóng góp tích cực của khu vực FDI, mà thu nhập của người dân Việt Nam đã nâng lên nhanh chóng, từ mức khoảng 180 USD/người năm 1992 lên 1.273 USD/người năm 2010 (đã đưa nước ta ra khỏi danh sách nước thu nhập thấp) và đạt 2.215 USD năm 2016.

.
 Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Có được kết quả trên là do Đảng, Nhà nước kiên định quan điểm coi các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Quan điểm này đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa các thành phần kinh tế.

Nhưng phân tích cụ thể mức độ ưu đãi của từng dự án, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp FDI được hưởng lợi hơn doanh nghiệp nội địa?

Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước phải nộp thuế 5%, nhưng từ năm 2004, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được bãi bỏ. Các doanh nghiệp FDI đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài, trong đó các ưu đãi về thuế được ghi trong giấy phép đầu tư và doanh nghiệp FDI được lựa chọn tiếp tục thực hiện các ưu đãi trong giấy phép đầu tư hoặc ưu đãi theo Luật Đầu tư 2005. Đa phần doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều có quy mô vừa trở lên, trước ngày 1/1/2016 phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 22%, nhưng từ ngày 1/1/2016 được hạ xuống mức thuế suất 20%, tức là bằng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Sự thay đổi các chính sách kể trên là hợp lý, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, nhưng đúng là doanh nghiệp FDI có lợi hơn doanh nghiệp trong nước, vì họ có quy mô lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Trong một sân chơi chung, mà doanh nghiệp lớn cũng bình đẳng như doanh nghiệp nhỏ, thì rõ ràng, doanh nghiệp lớn có lợi hơn. Chưa kể, một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chỉ doanh nghiệp FDI mới đáp ứng được, rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng.

Ông muốn nói tới Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2013?

Đúng vậy. Theo Luật này thì áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghệ cao; thu nhập từ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao…

Thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm, hoặc dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng và sử dụng trên 3.000 lao động cũng được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.

Chính sách không có sự phân biệt đối xử hay ưu đãi riêng cho khu vực kinh tế nào, nhưng thử hỏi với những điều kiện kể trên, có doanh nghiệp nội địa nào được hưởng ưu đãi. Mức ưu đãi kể trên còn cao hơn cả ưu đãi vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động là sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp...

Chưa kể, các đối tượng trên còn được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo. Còn doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; phát triển ngành nghề truyền thống… chỉ được miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 4 năm tiếp theo.

Theo ông, để thực sự bình đẳng, phải thay đổi những gì?

Trước hết, khẩn trương thể chế các ưu đãi theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và phải sớm cụ thể hóa quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh mới đáp ứng được các điều kiện, mới đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghệ cao, nghiên cứu - ứng dụng công nghệ cao để được ưu đãi như các doanh nghiệp FDI đang được hưởng.

Thứ hai, phải mở rộng đối tượng chịu thuế đối với một số sắc thuế, trước hết là thuế bảo vệ môi trường. Hiện tại, chúng ta mới thu thuế bảo vệ môi trường đối với 9 nhóm sản phẩm, trong đó năm 2016, sắc thuế này đóng góp vào ngân sách nhà nước 42.393 tỷ đồng, chiếm 4,08% tổng thu ngân sách nhà nước.

Các chính sách này vẫn bảo đảm không phân biệt đối xử, tất cả doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi hoặc phải đóng thuế bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp trong nước hưởng lợi nhiều hơn.

Tổng cục Thuế bắt đầu "soi" các đại gia Việt trong Hồ sơ Paradise
Trao đổi với báo Lao Động, một quan chức của Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo rà soát thông tin về các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có tên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư