Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chính thức có tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao
Nguyên Đức - 15/06/2015 18:04
 
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, làm cơ sở để xem xét các ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ban hành Quyết định về Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b Điều 75 của Luật Đầu tư, đồng thời phải đáp ứng 3 tiêu chí khác, trong đó có tiêu chí quan trọng liên quan đến công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).

Tiêu chí về doanh nghiệp công nghệ cao sẽ là cơ sở để xác định cơ chế ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này
Tiêu chí về doanh nghiệp công nghệ cao sẽ là cơ sở để xác định cơ chế ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này


Cụ thể, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.

Bên cạnh đó, tổng chi cho hoạt động R&D được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.

Một tiêu chí quan trọng khác, số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện R&D trên tổng số lao động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%.

Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.

Trước đây, theo quy định của Điều 18, Luật Công nghệ cao, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, để được ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp phải chi 1% tổng doanh thu và 5% tổng lao động dành cho R&D.

Quy định này khiến cho ngay cả các doanh nghiệp lớn, thậm chí càng lớn thì càng khó với tới. Liên quan tới quy định này, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam muốn khuyến khích thu hút đầu tư vào công nghệ cao, nhưng đặt tiêu chí quá cao như vậy thì chẳng khác nào tự dựng lên rào cản.

Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có kiến nghị nhiều nhất về quy định này. Bởi với doanh thu và số lượng lao động hiện thời rất lớn (năm 2014 khoảng 26 tỷ USD và hơn 70.000 lao động), thì chi phí mà họ phải bỏ ra cho R&D là quá lớn, số lượng lao động phục vụ công tác R&D cũng quá nhiều, khó có thể đáp ứng.

Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa đổi Điều 18 Luật Công nghệ cao ngay tại Luật Đầu tư. Quốc hội đã chính thức thông qua điều khoản này. Việc Chính phủ ban hành Quyết định về các Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao là bước đi cần thiết để hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư sửa đổi.

Với quyết định mới, các tỷ lệ liên quan đến doanh thu và lao động dành cho R&D đã giảm một nửa so với quy định trước đây tại Điều 18 Luật Công nghệ cao.

Hơn nữa, theo quy định trước đây, tỷ lệ doanh thu dành cho R&D được xác định trên cơ sở “tổng doanh thu”, còn theo Dự thảo mới, tỷ lệ này được xác định dựa trên “tổng doanh thu thuần”. Điều này cũng được cho là tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp.

Bước đầu, các rào cản đối với khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao đã được tháo gỡ. Đây có thể là điều kiện quan trọng để ngày càng nhiều hơn nữa đại gia công nghệ nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam.

Khởi nghiệp với công nghệ cao, tại sao không?
Tạo ra suy nghĩ phải làm chủ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là mục tiêu của sự tăng trưởng kinh tế của mọi quốc gia. Tại Việt Nam, vai trò...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư