Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Chờ Fed hạ lãi suất: Chứng khoán Mỹ ngắm mốc kỷ lục, thị trường châu Á im ắng
Đông Phong - 17/09/2024 15:24
 
Một ngày trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định lãi suất, chứng khoán châu Á khá im ắng trong ngày giao dịch ngày 17/9, trong khi đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn chịu áp lực.

Kỳ nghỉ lễ kéo dài ở Trung Quốc và Hàn Quốc khiến thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận các giao dịch mỏng đi. Giới đầu tư và các nhà giao dịch đang đặt cược tăng lên theo hướng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sau cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 18/9.

Kỳ vọng đó khiến đồng đô la Mỹ trì trệ gần mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua so với đồng yên khi giao dịch ở mức 1 USD đổi 140,70 JPY. Đồng thời, đồng bạc xanh tiếp tục bị đè nặng bởi sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

Các nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Các nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, thường phản ánh kỳ vọng về lãi suất trong ngắn hạn, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 3,5280% vào đêm qua.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm không thay đổi nhiều và dao động quanh mức 3,6195%. Các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán cho thấy thị trường hiện đang kỳ vọng 67% khả năng Fed có thể nới lỏng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 17-18/9.

"Lý do cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tuần này một phần phụ thuộc vào ý tưởng rằng lãi suất (của Fed - BTV) cao hơn nhiều so với hầu hết các ước tính trung lập - nếu các quan chức đánh giá rằng việc duy trì chính sách trong phạm vi hạn chế quá lâu sẽ dẫn đến những rủi ro không cần thiết cho nền kinh tế thì việc trì hoãn là vô nghĩa", ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (Vương quốc Anh), nhận định.

"Vấn đề ở đây là rào cản lớn đối với việc thực hiện mức cắt giảm lãi suất lớn, đặc biệt là khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Nếu không có gì khác, điều này dẫn đến cách nghĩ rằng các quan chức ngân hàng trung ương (Fed - BTV) đã mắc sai lầm và tụt hậu so với xu hướng", ông Shearing nói thêm.

Năm nay, thị trường kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất khoảng 120 điểm cơ bản, tính đến tháng 12.

Chứng khoán châu Á khá im ắng trong bối cảnh quy mô đợt cắt giảm lãi suất lần này của Fed là khó đoán. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) chỉ tăng 0,1%.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 bị kéo giảm 0,6% bởi các cổ phiếu công nghệ sau khi cổ phiếu của các "ông lớn" công nghệ niêm yết trên Phố Wall đêm qua "đỏ lửa".

Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq lần lượt giảm 0,12% và 0,05%, trong khi hợp đồng tương lai chỉ số EUROSTOXX 50 và hợp đồng tương lai FTSE cùng tăng hơn 0,3%.

Trên các thị trường khác của châu Á, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Dữ liệu công bố vào cuối tuần trước cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 đã chậm lại và ở mức thấp nhất trong 5 tháng, trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tại nước này tiếp tục giảm.

Những lo ngại về nhu cầu dầu mỏ đang chững lại của Trung Quốc đã bị lu mờ trước tác động liên tục của cơn bão Francine lên sản lượng dầu mỏ tại Vịnh Mexico của Mỹ, khiến dầu thô nhích giá trong ngày giao dịch 17/9. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 0,18% lên 72,89 USD/thùng, trong khi giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,43% lên 70,40 USD/thùng.

Trái lại, giá vàng giao ngay giảm 0,06% xuống còn 2.580,51 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ đêm qua (theo giờ Việt Nam) ghi nhận chỉ số S&P 500 tiến gần hơn đến mức kỷ lục, còn chỉ số Dow Jones chạm mức cao nhất mọi thời đại.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 0,13% và kết thúc phiên giao dịch 16/9 ở mức 5.633,09. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 228,30 điểm, tương đương 0,55%, để đóng cửa ở mức kỷ lục 41.622,08. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,52%, xuống còn 17.592,13.

Cổ phiếu Apple giảm 2,8% sau khi các nhà phân tích tại Bank of America và JPMorgan, lưu ý rằng thời gian chuyển hàng đến tay người tiêu dùng có thể chỉ ra nhu cầu các mẫu iPhone 16 Pro thấp hơn so với năm trước.

Các cổ phiếu chip như Nvidia đã giảm khi các nhà đầu tư rút một số khoản đầu tư của họ. Cổ phiếu Nvidia - “gã khổng lồ” về trí tuệ nhân tạo của Mỹ - đã mất gần 2% trong ngày giao dịch 16/9, trong khi Broadcom và KLA Corporation đều giảm 2%, còn Marvell Technology giảm 1,5%.

S&P 500 chỉ còn cách mốc kỷ lục tháng 7 chưa đầy 1% và có thể đạt mức cao kỷ lục mới trong tuần này. Sau khởi đầu khó khăn trong tháng 9, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã kết thúc phiên giao dịch tuần trước với sắc xanh khi mà S&P 500 và Nasdaq ghi nhận tuần giao dịch tốt nhất kể từ đầu năm 2024.

Lãi suất cơ bản được Fed ấn định ở ngưỡng 5,25 - 5,5%, kể từ tháng 7/2023. Thị trường hiện đang đặt cược 63% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, theo CME Group.

Nhiều nhà đầu tư đang "chốt lời" các cổ phiếu Big Tech trong năm qua sau khi các mã công nghệ tăng vọt trong thời gian dài, đặc biệt là cổ phiếu bán dẫn, theo ông Christopher Barto, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại Fort Pitt Capital.

Các nhà đầu tư đang thấy "không nhất thiết phải có sự thay đổi hoàn toàn về vị thế dẫn đầu thị trường; nhưng các lĩnh vực khác của thị trường đang bắt đầu khởi sắc, và phần lớn điều đó liên quan đến việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra", ông Barto cho biết.

Tỷ lệ "cược" Fed giảm lãi suất 0,5% đã lên 67%, Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp 0,25% lãi suất trên kênh cầm cố
Tỷ lệ nhà đầu tư đặt cược khả năng Fed giảm lãi suất 0,5% đã tăng lên 67% trong khi tỷ lệ này hôm qua mới đạt 50%. USD Index đã giảm về sát mốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư