Thứ Năm, Ngày 24 tháng 04 năm 2025,
Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: Chuyển quyền “quyết” sang NHNN và bài học từ sự cố tại SCB
Thùy Liên - 24/04/2025 17:09
 
Thực tế, với những ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt hay rút tiền hàng loạt, khả năng trả lãi vay với khoản vay đặc biệt là rất khó.
f
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/4.

Điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước

Sáng 24/4, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).   

Một trong những nội dung mới được đưa vào dự thảo luật là phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN)

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tếTài chính cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tán thành việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản đảm bảo từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước.

Việc phân cấp phân quyền này sẽ gắn việc quyết định cho vay đặc biệt với trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với TCTD và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, rút ngắn thời gian xử lý, ra quyết định, bảo đảm việc xử lý nhanh, kịp thời trong các tình huống cần can thiệp ngay để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD. Quy định phân cấp như tại dự thảo Luật cũng phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và kiến nghị tại Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp.

Tuy vậy, thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quy định lãi suất 0%/năm áp dụng cho tất cả các khoản vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước tại dự thảo Luật là khác với quy định hiện hành, do đó, cần được đánh giá tác động cụ thể, xem xét thêm việc ấn định cùng một mức lãi suất trong khi mỗi TCTD có thực trạng và vấn đề cần xử lý khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm đối với mọi khoản vay là chưa phù hợp, đề nghị giữ nguyên như quy định của luật hiện hành và quy định theo hướng Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với TCTD; mức lãi suất (mức lãi suất thấp nhất là 0%/năm), tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ NHNN theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, tránh áp dụng tùy tiện, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cùng với việc phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm, lãi suất 0%/năm, cần giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.  

Một số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, các trường hợp cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm gián tiếp sử dụng nguồn lực của Nhà nước, có rủi ro không thu hồi được khoản cho vay, ảnh hưởng đến sự ổn định về kinh tế, an ninh tiền tệ và liên quan đến nhiều bộ, ngành, do đó, cần phải có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công an.  Có ý kiến đề nghị cần xem xét việc sử dụng nguồn lực này như sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để có cách thức kiểm soát, giám sát thực thi.

Bài học từ sự cố rút tiền hàng loạt của SCB

Phát biểu tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình thêm về lý do bổ sung nội dung trên vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Đó là xuất phát từ thực tiễn xử lý các khoản cho vay với SCB rất chậm vì phải tuân thủ các thủ tục hành chính, trong khi trên thị trường người dân đồng loạt rút tiền rất căng thẳng, đòi hỏi phải có sự can thiệp “ngay và luôn”.

Thống đốc cũng khẳng định, cho vay đặc biệt lãi suất 0% chỉ áp dụng với những trường hợp bị kiểm soát đặc biệt hoặc bị rút tiền hàng loạt, còn với các tổ chức tín dụng hoạt động bình thường khi gặp sự cố và khi bị can thiệp sớm thì Ngân hàng Nhà nước vẫn cho vay tái cấp vốn theo quy chế thông thường và là các khoản vay có lãi suất.

Lý do áp dụng lãi suất 0% với cho vay đặc biệt, Thống đốc lấy ví dụ từ 4 ngân hàng 0 đồng trước đây trong đề án tái cơ cấu đều đưa lãi suất cho vay đặc biệt về 0%. Riêng khoản vay đặc biệt đang áp dụng với SCB là khoản vay có lãi suất và riêng chi phí tiền lãi mà SCB phải “gánh” cho khoản vay đang rất lớn (50.000 - 60.000 tỷ đồng). Với một ngân hàng đang khó khăn như SCB, việc phải trả lãi cho các khoản vay để duy trì hoạt động của hệ thống là cả một vấn đề.  

Trong đề án tái cơ cấu SCB đang trình Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất đưa lãi suất cho vay đặc biệt về 0% vì ngân hàng không có khả năng trả lãi của khoản vay đặc biệt.

Liên quan đến đề nghị của một số đại biểu về việc đánh giá trong thời gian tới dự kiến cho vay đặc biệt là bao nhiêu, Thống đốc cho rằng rất khó. Trên thực tế, tại Mỹ có những ngân hàng 52 quý lãi liên tục, nhưng đến thời điểm bị rút tiền hàng loạt thì lâm vào tình trạng khó khăn lập tức.  

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước với các khoản vay đặc biệt có lãi suất 0% 1 năm không có tài sản bảo đảm. Chính sách này nhằm rút ngắn thời gian xử lý ra quyết định và bảo đảm việc xử lý nhanh, kịp thời trong các tình huống cần can thiệp ngay để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên để thực hiện chính sách phân cấp này, Phó chủ tịch đề nghị đánh giá tác động kỹ bao gồm việc quy định lãi suất cho vay đặc biệt là 0% 1năm đối với mọi khoản vay, tránh rủi ro không thu hồi được khoản vay, ảnh hưởng đến sự ổn định về kinh tế, an ninh tiền tệ. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định về chi tiết, tiêu chí điều kiện cho vay đặc biệt và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.

Liên quan đến điều khoản chuyển tiếp, có ý kiến đề nghị sự phù hợp của quy định chuyển tiếp này với quy định về hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Một số ý kiến cho rằng các phương án cơ cấu lại TCTD yếu kém đều được báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi triển khai. Vì vậy, trường hợp có sự thay đổi về phương án đã báo cáo cấp có thẩm quyền, cần báo cáo lại cấp có thẩm quyền để bảo đảm cơ sở chính trị.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, xác định đầy đủ, toàn diện các trường hợp chuyển tiếp để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý hoặc xung đột pháp lý. Đánh giá kỹ lưỡng quy định chuyển tiếp đối với tổ chức tín dụng có khoản vay đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước quyết định trước ngày luật có hiệu thi hành nay lại quay về mức 0%. Cần làm rõ sự cần thiết, tác động và nguồn lực thực hiện khi điều chỉnh mức lãi suất về 0% trong tương quan với thực trạng và phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.  

Đang có cách hiểu chưa đúng về cho vay đặc biệt
GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) trao đổi về các vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt các nội dung liên quan cho vay lãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư