Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Chống vàng hóa không thể ngày một, ngày hai
Hà Tâm - 14/09/2013 06:55
 
Sau gần 2 tuần tạm ngưng, hôm 12/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 58. Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu vàng để bình ổn thị trường. Doanh nghiệp bắt đầu “chê” vàng đấu thầu

Sau hơn 3 tháng tổ chức đấu thầu vàng để ổn định thị trường, ông có thể đưa ra những đánh giá ban đầu về hiệu quả của hoạt động này?

Từ đầu năm 2012, do NHNN không cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng và NHNN cũng không nhập khẩu vàng, nên dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu vàng trên thị trường.

Do đó, từ ngày 28/3/2013, NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng để đáp ứng nhu cầu vàng tất toán trạng thái của các tổ chức tín dụng và nhu cầu tích trữ vàng của người dân.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối

Mặt được của hoạt động đấu thầu là bổ sung nguồn cung vàng cho thị trường vận hành theo cơ chế thị trường, rõ ràng, công khai, minh bạch.

Đấu thầu vàng cũng giúp ngăn chặn được hoạt động đầu cơ trên thị trường.

Toàn bộ phần chênh lệch giá của các phiên đấu thầu sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước.

Qua các phiên đấu thầu, biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp.

Việc đấu thầu vàng đã thu về một khoản tiền chênh lệch. Vậy số tiền cụ thể là bao nhiêu, đã được chuyển hết về ngân sách nhà nước hay để lại NHNN, thưa ông?

Con số cụ thể không được công bố, song có thể tính toán được qua từng phiên. Chính phủ đã ban hành Nghị định về Chế độ tài chính của NHNN, quy định rõ hàng quý, NHNN phải đóng góp bao nhiêu cho ngân sách.

Đến cuối năm, sau khi trừ các khoản chi, các khoản đóng góp vào quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, phần còn lại sẽ chuyển hết cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong trường hợp ngân sách khó khăn, mức chuyển hàng quý từ NHNN cho ngân sách nhà nước có thể cao hơn, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và NHNN. Khoản chênh lệch trên cũng nằm trong cân đối tổng thể này.

Việc đấu thầu vàng bước đầu đã góp phần làm ổn định thị trường, song cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng vàng hóa gia tăng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Có 2 kênh làm gia tăng vàng hóa, đó là vàng trong hệ thống các tổ chức tín dụng và vàng trong nền kinh tế. Hiện NHNN đã chấm dứt được vàng hóa trong các tổ chức tín dụng, đã cấm huy động, cho vay vàng, tức đã loại vàng ra khỏi bảng cân đối.

Còn với tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, nguyên tắc của chúng ta là đảm bảo cho người dân quyền tích trữ vàng. Vì vậy, muốn giảm tình trạng này, không thể dùng các biện pháp hành chính, mà phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng sức hấp dẫn của tiền đồng, tạo sức hấp dẫn cho các kênh đầu tư khác… Tuy nhiên, để làm được điều này, thì cần có thời gian, không thể ngày một, ngày hai.

Ngoài ra, muốn chống vàng hóa thì phải làm cho vàng không trở thành món hàng đầu cơ hấp dẫn. Thực tế, nhu cầu vàng của thị trường đang giảm đáng kể.

Thời gian tới, việc đấu thầu vàng miếng sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?

NHNN đấu thầu vàng miếng là nhằm ổn định thị trường, nên thị trường còn nhu cầu bình ổn, thì NHNN còn tiếp tục thực hiện đấu thầu vàng. Khi thị trường đã ổn định, không còn mất cân đối cung - cầu, NHNN sẽ có sự điều chỉnh phù hợp, với tư cách là người bán cuối cùng trên thị trường. Hiện NHNN đã giảm dần số phiên đấu thầu và số lượng vàng bán trong mỗi phiên để phù hợp với sức mua.

Chênh lệch giá vàng có dấu hiệu tăng trở lại. Một số ý kiến cho rằng, NHNN nên áp trần giá bán ra với lượng vàng trúng thầu, tránh hiện tượng doanh nghiệp mua vàng đấu thầu thấp, nhưng bán lại cho người dân với giá cao. Giải pháp này có khả thi không?

Ngoại trừ phiên đấu thầu đầu tiên, NHNN đặt giá sàn cao để hạn chế giới đầu cơ, còn tại các phiên sau, NHNN không bao giờ đặt giá thầu cao hơn giá bán ra của doanh nghiệp trên thị trường. Còn việc áp trần bán ra với vàng trúng thầu là không khả thi và vi phạm quy định pháp luật.

Chênh lệch giá vàng được thu hẹp quá mức cũng chưa hẳn là tốt, vì như vậy có thể kích thích đầu cơ gom hàng.

Hàng chục tấn vàng đấu thầu đã đi đâu?
Trao đổi với chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu liên quan đến hoạt động đấu thầu vàng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư