Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chủ đầu tư sẽ vẫn “tay không bắt giặc”
Quang Hưng - 25/10/2014 07:07
 
() Góp ý với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 24/10, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong khi quyền lợi người mua nhà chưa được bảo vệ đúng mức thì các quy định của dự thảo Luật  vẫn để nhiều khả năng cho chủ đầu tư “làm bậy”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kỳ họp của những quyết sách quan trọng
Địa ốc có khả năng biến động mạnh
Luật Kinh doanh bất động sản quên... thực tiễn?
  Luật Kinh doanh bất động sản  
  Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản được các đại biểu Quốc hội đánh giá là chưa bảo vệ được quyền lợi cho người mua nhà, hạn chế chủ đầu tư sử dụng tiền góp vốn của người dân không đúng mục đích
(ảnh minh họa - Hà Quang)
 

Dự thảo Luật còn "bên khinh, bên trọng"

Góp ý với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 24/10, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng) thẳng thắn: “Với tư cách là 1 người mua nhà, tôi có cảm giác dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản thiên về bảo vệ quyền lợi cho người kinh doanh bất động sản hơn là bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, mua bất động sản”.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, trong khi dự thảo Luật dành hẳn 1 điều khoản về Hiệp hội bất động sản để nói về bất động sản, thì công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về bất động sản cũng chỉ có 1 điều khoản và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố cũng chỉ có 1 điều. Kết cấu như vậy là không cân xứng.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (TP. Hà Nội) thì cho rằng: Điều 10 về “Điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản quy định: Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định do Chính phủ quy định nhưng không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” là không nên.

"Quy định doanh nghiệp có vốn pháp định 20 tỷ được phép đầu tư, kinh doanh bất động sản là không ổn. Các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản có tổng vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng chục ngàn tỷ đồng mà doanh nghiệp chỉ có vốn pháp định 20 tỷ đồng là doanh nghiệp không có năng lực, không làm được việc gì", đại biểu Phạm Huy Hùng thẳng thắn!

Đồng tình với Đại biểu Phạm Huy Hùng, Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, nên quy định 1 tỷ lệ nào đó giữa vốn pháp định và tổng vốn đầu tư dự án mà doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được làm - tỷ lệ là 20% chẳng hạn. Với những dự án bất động sản hàng ngàn tỷ đồng mà doanh nghiệp chỉ có vốn pháp định 20 tỷ đồng, có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp đăng ký các dự án lớn nhưng không có khả năng hoàn thành, hoàn thiện dự án. Thực tế này gây ra nhiều nỗi ai oán cho người dân trong thời gian qua.

Tiền mua nhà, không được mang làm việc khác

Góp ý với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá: dự thảo Luật lần này đã có sự chỉnh lý, tiếp thu tích cực từ phía Ban soạn thỏa như: không bắt người dân có 1 cái nhà, phòng trọ cho thuê phải thành lập doanh nghiệp gây ra nhiều thủ tục nhiêu khê. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của dự thảo Luật là bảo vệ quyền lợi của người dân, người mua nhà, hạn chế chủ đầu tư làm bậy thì dự thảo Luật chưa làm được. Quy định như thế này, chủ đầu tư vẫn có thể mang tiền của người dân góp vốn mua nhà đi làm việc khác.

Theo Đại biểu Trần Du Lịch, dự thảo Luật nên có quy định rõ: Tiền của người dân góp vốn mua nhà phải được ký gửi tại 1 ngân hàng do chủ đầu tư quy định. Khoản tiền đó chỉ được giải ngân vào mục đích để xây dựng công trình nhà ở mà người dân đã góp, không được dùng vào việc khác.

“Tiền của người dân góp vốn xây nhà mà chủ đầu tư dùng vào việc khác là phạm tội hình sự ngay. Cái này tôi thấy luật pháp các nước bảo vệ rất mạnh mẽ nhưng quyền và lợi ích chính đáng của người dân chúng ta chưa được bảo vệ đúng mức”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng:  Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự án Luật về mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng. Có ý kiến đề nghị mức vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng thời kỳ.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội: Việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng là quá cao so với mặt bằng vốn chung của các doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị giữ quy định mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng loại hình kinh doanh bất động sản và từng thời kỳ.

Về việc đề nghị tất cả các trường hợp hoạt động kinh doanh bất động sản đều phải thành lập doanh nghiệp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Trên thực tế có nhiều trường hợp là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản với mục đích sinh lợi nhưng ở quy mô nhỏ, không thường xuyên, các trường hợp này khi có giao dịch bất động sản đều phải thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Trước nhiều ý kiến còn khác nhau của Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Xem chi tiết dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản tại đây.

Xem chi tiết báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư