Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chủ động nắm bắt cơ hội, tạo động lực phát triển mới
Thu Lê - Thanh Sơn - 09/11/2021 16:54
 
Tỉnh Quảng Ninh cùng các nhà đầu tư đã chuẩn bị ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh để có thể khởi công hàng loạt dự án lớn với nguồn vốn “khủng” khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
TIN LIÊN QUAN
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (đứng giữa) trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh cho các nhà đầu tư
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (đứng giữa) trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh cho các nhà đầu tư

Vượt qua thách thức

Dù phải liên tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ đầu năm 2021, song Quảng Ninh vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng tốt. GRDP của tỉnh 9 tháng đạt 8,6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 64.000 tỷ đồng. Tổng vốn ngoài ngân sách thu hút được đạt trên 304.000 tỷ đồng.

Nhưng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2 con số và thu ngân sách không dưới 51.000 tỷ đồng, thì nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm rất lớn, tốc độ tăng GRDP quý IV phải đạt được 15,3%.

Tranh  thủ tận dụng mọi cơ hội khi đang là “vùng xanh”, Quảng Ninh đã tích cực chuẩn bị để tạo đà cho tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng, làm động lực dẫn dắt sự bứt tốc trong giai đoạn cuối của năm 2021. Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo kịch bản được Quảng Ninh đề ra, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2021, khu vực công nghiệp - xây dựng phải tăng 21,4% trong quý IV.

Các giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành và đưa thêm 3 công trình động lực vào khai thác, gồm: cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, trong đó cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ là công trình quan trọng để phát huy lợi thế các cửa khẩu, tạo ra cực tăng trưởng mới.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã khởi công, khởi động 4 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD trong cùng ngày 24/10, được kỳ vọng sẽ giúp ngành xây dựng phát triển nhanh hơn và đóng góp tốt cho ngân sách.

Đối với ngành chế biến, chế tạo, Quảng Ninh cùng các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp lớn như Amata, Deep C, Texhong... đã thu hút và hỗ trợ triển khai xây dựng thêm nhiều dự án mới. Được biết, cả Khu công nghiệp Sông Khoai và Deep C Quảng Ninh đều sẽ đón thêm dự án đầu tư mới vào cuối năm. Tỉnh Quảng Ninh tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp để tăng năng suất, sản lượng; chủ động nắm tình hình, kịp thời giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất.

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ được dự báo sẽ từng bước phục hồi và đạt mức tăng 10,5% so với năm 2020.

Đó là về mục tiêu ngắn hạn của năm 2021. Những kế sách linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh để ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bù đắp cho sự giảm tốc của ngành du lịch - dịch vụ đã và đang phát huy hiệu quả. Đánh giá sâu hơn, những kế sách đó không chỉ dừng lại ở mức giải pháp tình thế, mà còn phục vụ mục tiêu tăng trưởng với tầm nhìn dài hạn đã được đề ra tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV. Đó là tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu, thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, dựa vào 3 trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tạo động lực mới

Tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu được Quảng Ninh thực hiện đồng loạt ở cả 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp - xây dựng, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, hướng đi mới cho kinh tế Quảng Ninh trong giai đoạn tới là phát triển kinh tế biển và Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế biển cùng với Hải Phòng.

“Hiện hạ tầng cảng của Quảng Ninh vẫn còn hạn chế, nên sẽ phải đầu tư các cảng trọng điểm như cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Vạn Ninh. Thay đổi căn bản hạ tầng cảng, thì mới thay đổi được năng lực về cảng, dịch vụ cảng biển, tạo nền tảng phát triển kinh tế biển”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Sự kiện Quảng Ninh khởi công, khởi động cùng lúc 4 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD là những minh chứng cụ thể cho định hướng phát triển này của Quảng Ninh.

Trong đó, Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn I) được đầu tư tại xã Vạn Ninh (TP. Móng Cái) có tổng vốn đầu tư gần 2.249 tỷ đồng, sẽ được đưa vào khai thác trong qúy IV/2024. Khi cảng Vạn Ninh đi vào khai thác, giá thành vận chuyển hàng hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu khu vực cửa khẩu Móng Cái dự kiến giảm chỉ còn 1/2 so với đường bộ, giảm chi phí logistics và chắc chắn sẽ tăng sức hút cho hàng hóa xuất nhập đối với cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Dự án này chính là tiền đề quan trọng để hình thành mạng lưới hạ tầng logistics gắn với chuỗi dịch vụ hậu cần cảng: vận tải - kho bãi - cảng biển với mô hình vận tải đa phương thức trên địa bàn tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế biển mà Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhắc đến.

Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh là dự án gây bất ngờ lớn nhất bởi tốc độ triển khai. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (ngày 17/10/2020), Quảng Ninh đã tìm được đối tác và trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Liên doanh PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni trong ngày 24/10/2021.

Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 60 ha tại phường Cẩm Thịnh (TP. Cẩm Phả), quy mô công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư gần 48.000 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh/năm.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Việc triển khai đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh trong bối cảnh tài nguyên than cho nhiệt điện ngày càng khan hiếm sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao”.

Cùng với 7 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với tổng công suất 5.640 MW, Dự án Nhà máy Điện khí LNG sẽ khẳng định vững chắc vị thế trung tâm sản xuất điện lớn hàng đầu miền Bắc của Quảng Ninh.

Hai dự án còn lại là Sân golf Đông Triều và đại đô thị Hạ Long Xanh (vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD), là những sản phẩm du lịch mới mà Quảng Ninh sẽ “sở hữu”. Khu đô thị Hạ Long Xanh quy mô hơn 4.100 ha được đánh giá là một trong những dự án phức hợp mang bản sắc đô thị ven biển gắn với du lịch nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á; có đầy đủ các hạng mục đáp ứng nhu cầu an cư, làm việc, học tập và nghỉ dưỡng.

Với dự án đô thị quy mô lớn này, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Tác động của Dự án sẽ góp phần tạo nên một không gian đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh, một diện mạo đô thị mới cho thị xã Quảng Yên, TP. Hạ Long; đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân địa phương, vùng lân cận và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư từ các địa phương khác đến Quảng Ninh.

Đóng góp dư địa tăng trưởng lớn

Theo ông Nguyễn Tường Văn, 4 dự án được khởi công, khởi động trong ngày 24/10 sẽ góp phần nâng cao giá trị đầu tư xây dựng cơ bản, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn Quảng Ninh; thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế thương mại, dịch vụ. Các dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, đáp ứng nhu cầu an sinh cho người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội không những cho thị xã Quảng Yên, TP. Hạ Long, mà còn cho cả tỉnh Quảng Ninh.

Các dự án này có thời gian thực hiện từ 3 đến 10 năm, nên sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn cho lực lượng lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng của các dự án cũng như giai đoạn dự án được đưa vào khai thác, sử dụng.

Đóng góp vào ngân sách của các dự án này cũng rất lớn. Đơn cử, với đại đô thị Hạ Long Xanh, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào ngân sách khoảng 7.251 tỷ đồng/năm. Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh dự kiến đóng góp vào ngân sách trung bình 2.300 tỷ đồng/năm.

Với niềm tin đã được khẳng định trong thời gian dài, các nhà đầu tư lớn cùng những đại dự án mới vẫn đang tìm về Quảng Ninh để cùng hợp tác, phát triển và thành công. Có thể thấy, Quảng Ninh vẫn luôn chủ động nắm bắt cơ hội để vượt qua đại dịch và tiếp tục phát triển bứt phá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư