Thứ Tư, Ngày 23 tháng 04 năm 2025,
Chủ động thích ứng vững vàng giữa thế giới kinh doanh bất định
P.V - 23/04/2025 14:29
 
Trong bối cảnh đầy bất định và thay đổi liên tục, thì liệu việc cứ dừng lại và chờ đợi có phải là lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp? Bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, kiêm Trưởng bộ phận Tư vấn, cùng bà Helen Đỗ, Phó tổng giám đốc bộ phận Tư vấn, kiêm Trưởng Khối Công Nghệ, Viễn Thông & Truyền thông, Công ty Tư vấn Thương vụ ASART, cùng chia sẻ lý do vì sao các doanh nghiệp cần xây dựng năng lực chủ động thích ứng và chuẩn bị cho tương lai, để không chỉ vượt qua các thách thức, mà còn có thể nắm bắt được các cơ hội.
Bà Bình Lê Vandekerckove (bên trái), Tổng giám đốc, kiêm Trưởng bộ phận Tư vấn, cùng bà Helen Đỗ (bên phải), Phó tổng giám đốc bộ phận Tư vấn, kiêm Trưởng Khối Công Nghệ, Viễn Thông & Truyền Thông, Công ty Tư vấn Thương vụ ASART
Bà Bình Lê Vandekerckove (bên trái), Tổng giám đốc, kiêm Trưởng bộ phận Tư vấn, cùng bà Helen Đỗ (bên phải), Phó tổng giám đốc bộ phận Tư vấn, kiêm Trưởng Khối Công Nghệ, Viễn Thông & Truyền thông, Công ty Tư vấn Thương vụ ASART

Các doanh nghiệp đang đối mặt với một môi trường kinh doanh đầy biến động, chịu nhiều tác động đồng thời, từ chính sách thuế “đối ứng” của Hoa Kỳ, căng thẳng địa chính trị thế giới, thay đổi cải thiện trong nước, rủi ro lãi suất và áp lực tỷ giá, cùng với làn sóng chuyển đổi số và ứng dụng AI đang bùng nổ không ngừng.

Mặc dù nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tích cực, với mức tăng trưởng GDP trong quý I/2025 đạt 6,93% và mạng lưới bao gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) năng động với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, những yếu tố bên ngoài kể trên đang gây ra những xáo trộn trên diện rộng đến các mô hình kinh doanh, bối cảnh thị trường, hành vi tiêu dùng, chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư và cả các hoạt động quản lý nhà nước.

Các chính sách toàn cầu mới và làn sóng tái cấu trúc trong nước

Trên phương diện toàn cầu, làn sóng từ các chính sách mới đang tạo ra những xáo trộn lan tỏa khắp các thị trường quốc tế. Biểu thuế “đối ứng” mới được Mỹ công bố, dù sau đó đã tạm hoãn trong 90 ngày, đang làm gia tăng căng thẳng thương mại, định hình lại chuỗi cung ứng và tạo ra những ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế. Song song với việc bị áp thuế đối ứng của Mỹ, Việt Nam, vốn được coi là điểm đến lý tưởng trong chiến lược “Trung Quốc+1”, đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Mexico, khi các thị trường này đang được giới đầu tư quốc tế đánh giá là có ưu thế hơn về mức thuế quan.

Với kim ngạch xuất khẩu ròng sang Mỹ chiếm tới gần một phần tư GDP, vị thế của Việt Nam đang trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, giày dép, đồ gỗ, nhựa và nông sản là những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất. Dù giá trị xuất khẩu chưa giảm đáng kể, tâm lý thận trọng và dấu hiệu đơn hàng từ Mỹ chững lại đã buộc nhiều nhà sản xuất cân nhắc đa dạng hóa sang châu Âu, Trung Quốc và các thị trường khác.

Dù tăng trưởng GDP quý I cho thấy sức bền của kinh tế Việt Nam, nhưng từ tháng 3/2024 đến tháng 3/2025, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 3,5% so với USD. Tình trạng này có khả năng càng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại gia tăng và áp lực lạm phát. Biên lợi nhuận nhiều ngành bị thu hẹp, trong khi dòng đầu tư có xu hướng chững lại khi nhà đầu tư chuyển sang trạng thái chờ đợi trong 3-6 tháng tới.

Song song đó, Việt Nam đang triển khai những cải cách mạnh mẽ trong nước nhằm nâng cao hiệu quả vận hành bộ máy nhà nước và sức cạnh tranh quốc gia. Những cải cách bao gồm tinh gọn bộ máy chính phủ, cơ cấu lại Quốc hội, sáp nhập các bộ, ngành, đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính và cắt giảm đáng kể biên chế công chức. Những thay đổi này hướng tới mục tiêu hiện đại hóa quản trị, nâng cao hiệu suất, tăng tính minh bạch và củng cố vị thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, các cải cách này cũng tiềm ẩn một số rủi ro về ổn định và khả năng triển khai thực tế trong ngắn hạn.

Những thay đổi này, cải thiện chính sách, chậm trễ trong quy trình phê duyệt và diễn giải thuế có thể làm chậm lại hoạt động đầu tư hoặc các dự án quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi, từ đó có khả năng cản trở cơ hội tăng trưởng, tác động đến hầu hết doanh nghiệp Việt Nam lẫn các công ty nước ngoài đang hoạt động.

Làn sóng chuyển đổi số

Bên cạnh những cú sốc thương mại toàn cầu và quá trình tái cấu trúc trong nước, việc sớm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số đang nổi lên như một làn sóng mạnh mẽ thứ ba, định hình lại môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Khác với những thay đổi chính sách có thể đàm phán hay trì hoãn, việc chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng AI là bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì năng lực cạnh tranh và thích nghi với hành vi tiêu dùng, yêu cầu chuỗi cung ứng, cũng như các tiêu chuẩn toàn cầu đang thay đổi liên tục.

Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang đứng trước một bước ngoặt lớn. Nhiều doanh nghiệp đang bị cuốn vào hệ sinh thái số, không chỉ bởi áp lực từ đối tác, cơ quan quản lý, mà còn từ chính nhu cầu của thị trường. Từ triển khai hóa đơn điện tử, tích hợp với nền tảng thương mại điện tử, hay quản lý chuỗi cung ứng thông qua các công cụ điện toán đám mây, việc chuyển đổi số không còn là câu chuyện của tương lai, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc của ngày hôm nay. Các doanh nghiệp chậm thích nghi sẽ đối mặt với chi phí tuân thủ tăng cao, thời gian phản ứng chậm hơn và nguy cơ bị đào thải trong một nền kinh tế đang số hóa với tốc độ chóng mặt.

Dù chỉ là một phần của làn sóng số hóa, AI đang thúc đẩy thay đổi với tốc độ chưa từng có. Từ các trợ lý ảo chăm sóc khách hàng sử dụng AI trong thương mại điện tử, lĩnh vực mà Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ ứng dụng AI đạt 42%, đến các công cụ phân tích dự báo trong sản xuất, y tế, logistics và tài chính, các doanh nghiệp đang chứng kiến sự tái định hình của các vai trò và quy trình truyền thống.

Dù tiềm năng ứng dụng của AI trong kinh doanh là nhiều vô kể, nhiều chủ doanh nghiệp và nhà lãnh đạo vẫn đang lúng túng trong việc tích hợp AI vào hoạt động và sản phẩm của mình, đặc biệt trong bối cảnh tính minh bạch và đầy đủ của dữ liệu vẫn còn là thách thức lớn tại Việt Nam.

Vượt qua tư duy phản ứng ngắn hạn

Thế giới đang thay đổi không ngừng, từ phương diện chính trị, kinh tế lẫn công nghệ. Với các chính sách địa chính trị mới, các đổi mới, cải thiện trong nước và làn sóng công nghệ bùng nổ cùng lúc, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chiến lược dài hơi chứ không chỉ là những giải pháp mang tính phản ứng ngắn hạn.

Họ cần có sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất doanh nghiệp, họ là ai, đang làm gì và thực sự đứng ở đâu trên thị trường, để xây dựng một nền tảng vững vàng, linh hoạt, đủ sức vượt qua biến động và tận dụng cơ hội giữa những bất định.

Năng lực thích ứng chủ động

Trước đây, “năng lực thích ứng” thường mang tính phản ứng, khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp tìm cách thích ứng. Tuy nhiên, trong môi trường hiện nay, cách tiếp cận đó là chưa đủ. Năng lực thích ứng cần được xây dựng một cách chủ động, tích hợp từ chiến lược, vận hành, đội ngũ đến công nghệ.

Đặc biệt, vì rủi ro và cơ hội luôn song hành, nên năng lực chống chịu không chỉ dừng lại ở việc đối phó, mà cần mang tư duy chủ động, hướng về tương lai và tập trung vào khả năng khai thác cơ hội.

Chúng tôi đã xây dựng thành công một khung phát triển năng lực thích ứng chủ động gồm 3 thành phần chính là: đánh giá doanh nghiệp, lập kế hoạch, hành động. Qua đó, doanh nghiệp có thể chủ động rà soát toàn diện hoạt động, nhận diện sớm các điểm dễ tổn thương, rủi ro tiềm ẩn cũng như cơ hội phát triển. Tiếp theo là đánh giá mức độ tác động, xây dựng lộ trình ứng phó và chuẩn bị sẵn sàng các phương án hành động đồng bộ với tầm nhìn chiến lược. Cuối cùng, doanh nghiệp có thể hành động để vươn lên mạnh mẽ hơn, trở nên chủ động thích ứng, cạnh tranh hơn và luôn sẵn sàng đối mặt với cơ hội và thách thức.

Khung năng lực này không chỉ giúp doanh nghiệp dừng lại ở việc “chữa cháy” hoặc “vượt bão”, mà còn mở ra một hướng tiếp cận chiến lược chủ động hơn: chuẩn bị sẵn sàng để luôn ở trong tư thế nắm bắt cơ hội và đối mặt thẳng thắn với thử thách, từ đó vươn lên mạnh mẽ hơn, thích nghi tốt hơn và bứt phá nhanh hơn.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong chủ đề then chốt này, ASART sẽ tổ chức một sự kiện chuyên biệt dành riêng cho chủ doanh nghiệp và các lãnh đạo cấp cao vào ngày 15/5/2025 tại TP.HCM. Sự kiện nhằm trao đổi về tác động của các yếu tố bất ổn bên ngoài lên hoạt động kinh doanh, đồng thời cùng thảo luận cách phát triển năng lực thích ứng chủ động để doanh nghiệp có thể thích nghi, vững vàng và khai phá cơ hội trong một thế giới liên tục thay đổi.

THÍCH ỨNG CHỦ ĐỘNG:

CHIẾN LƯỢC THEN CHỐT CHO MỘT THẾ GIỚI BẤT ĐỊNH

15 tháng 5 năm 2025

8:30 AM – 10:30 AM

Khách sạn Sofitel Saigon Plaza, Thành phố Hồ Chí Minh

Đường link đăng ký: https://forms.office.com/r/hAWdge4i7M

Quét để đăng ký

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Hotline: +84 789 505 789

Website: www.asart.com.vn

Tâm lý FOMO đẩy giá vàng tăng phi mã, nhà đầu tư tiếp tục nghe ngóng chính sách từ Mỹ
Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước nhanh chóng nới rộng trong tuần qua khi vàng miếng SJC tăng “chóng mặt”, một phần từ sức nóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư