Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 06 năm 2024,
Chủ tịch công ty chứng khoán liên tục phạm tội thao túng thị trường
Huệ Nguyễn - 22/06/2024 15:01
 
Phạm Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt lần thứ 2 bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “thao túng thị trường chứng khoán”.
Phạm Thanh Tùng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt (ngoài cùng bên trái) bị đưa ra xét xử  hồi tháng 5/2023
Phạm Thanh Tùng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (ngoài cùng bên trái) bị đưa ra xét xử hồi tháng 5/2023

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án “thao túng thị trường chứng khoán”, liên quan tới cáo buộc Phạm Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt đã chiếm đoạt tiền của hàng chục bị hại thông qua giao dịch mua, bán chứng khoán. Hai cấp dưới của Phạm Thanh Tùng là Đỗ Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1986) và Nguyễn Mạnh Thìn (sinh năm 1988) được xác định là đồng phạm giúp sức.

Cả 3 bị cáo trên bị truy tố cùng tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại khoản 2, Điều 211, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù; hoặc bị phạt tiền từ 2 đến 4 tỷ đồng.

Một số cá nhân khác là nhân viên, người thân, bạn bè được xác định đã mở tài khoản chứng khoán rồi chuyển lại cho nhóm bị cáo trên sử dụng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định, các cá nhân này không biết, không thực hiện các giao dịch, nên không có căn cứ xử lý.

Lập hàng trăm tài khoản “ma” để mua, bán, thao túng chứng khoán

Phạm Thanh Tùng là Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần Quản lý tài sản Trí Việt (mã cổ phiếu TVC) và Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (mã cổ phiếu TVB), có vai trò chỉ đạo và quyết định mọi hoạt động đầu tư, giám sát hoạt động của Phòng Đầu tư, trực tiếp phụ trách quản lý hoạt động đầu tư chứng khoán của Công ty.

Trong năm 2020, để tạo tính thanh khoản của các mã cổ phiếu TVB và TVC, theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Tùng, Đỗ Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Mạnh Thìn đã thực hiện các thủ đoạn nhằm thao túng các mã cổ phiếu này.

Hoạt động tạo cung - cầu giả tạo đối với 2 mã cổ phiếu TVB và TVC của nhóm cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt được xác định đã gây thiệt hại, thua lỗ cho 31 nhà đầu tư số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Thanh Tùng và các đồng phạm đã khai nhận hành vi phạm tội, đồng thời nộp khắc phục hậu quả 2,2 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các bị cáo là hướng dẫn nhân viên của Công ty mở nhiều tài khoản chứng khoán tại một số công ty chứng khoán khác nhau; đứng tên các cá nhân là nhân viên, người thân của nhân viên, bạn bè, người quen của Phạm Thanh Tùng, các công ty vệ tinh trong hệ sinh thái của Tập đoàn Trí Việt (gọi là tài khoản chứng khoán nội nhóm).

Các tài khoản cùng mật khẩu đã không được người lập sử dụng, mà chuyển về cho Phòng Đầu tư của Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt quản lý.

Sau khi có các tài khoản trên, Tùng chỉ đạo Thìn sử dụng để liên tục đặt lệnh, khớp đối ứng với mã cổ phiếu TVB, TVC; đồng thời đặt lệnh mua bán thỏa thuận các cổ phiếu trên cho nhóm nội bộ của Trí Việt.

Hằng ngày, khi phát sinh giao dịch khớp lệnh, Thìn thông báo danh sách, số lượng tiền cần nộp/chuyển vào từng tài khoản chứng khoán nội nhóm theo chỉ đạo của Tùng và nhờ các chủ tài khoản thực hiện nộp/rút/chuyển tiền vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau, hoặc lấy séc đã được các chủ tài khoản nội nhóm ký sẵn để thực hiện giao dịch tiền.

Để thực hiện các hoạt động này, Phạm Thanh Tùng chỉ đạo sử dụng các nguồn tiền từ Công ty Quản lý tài sản Trí Việt, hoặc vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán khác (ngoài Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt) và nguồn tiền quay vòng, luân chuyển giữa các tài khoản chứng khoán, ngân hàng của cá nhân trong nhóm nội bộ Trí Việt sau khi bán, mua cổ phiếu TVB, TVC để thực hiện việc mua/bán cổ phiếu TVB, TVC giữa các tài khoản nội nhóm.

Tại TP.HCM, theo chỉ đạo của Tùng, Thìn trực tiếp đi nộp/rút/chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của Thìn, hoặc chỉ đạo nhân viên đi rút tiền từ tài khoản cá nhân, rồi nộp tiền vào các tài khoản chứng khoán nội nhóm khác.

Còn tại Hà Nội, Hạnh chỉ đạo một số nhân viên tới ngân hàng rút séc từ tài khoản ngân hàng của Công ty và các cá nhân nội nhóm Trí Việt, rồi nộp tiền vào các tài khoản chứng khoán nội nhóm được chỉ định.

Liên tục tạo cung - cầu giả để “thổi giá” chứng khoán

Theo cơ quan tố tụng, từ ngày 2/1/2020 đến ngày 19/10/2020, cựu Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Thìn và Đỗ Thị Hồng Hạnh thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thông qua việc sử dụng 109 tài khoản nội nhóm Trí Việt của 58 chủ tài khoản để giao dịch mua, bán chéo với nhau đối với mã cổ phiếu TVB, TVC.

Cụ thể, với mã TVB, các bị cáo sử dụng 60 tài khoản đứng tên 42 chủ tài khoản nội nhóm để thực hiện giao dịch đặt lệnh, khớp lệnh, mua bán nhằm mục đích “thổi giá”; tạo cung - cầu giả và thao túng cổ phiếu.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian trên, nhóm này đã tham gia 169 trong tổng số 173 phiên giao dịch; trong đó có tới 81 phiên có tỷ trọng đặt mua chiếm hơn 50% khối lượng đặt mua toàn thị trường.

Cùng với đó, nhóm bị cáo thực hiện tổng cộng 180 phiên có tỷ trọng khớp mua, khớp bán, chiếm hơn 50% khối lượng khớp mua, khớp bán toàn thị trường.

Các giao dịch khớp đối ứng nội nhóm cũng được thực hiện trong 144 giao dịch, với tổng khối lượng gần 19 triệu cổ phiếu TVB, tổng giá trị gần 265 tỷ đồng.

Ngoài ra, có hàng trăm đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, đặt mua hàng triệu cổ phiếu TVB, phiên giao dịch khác, các bị cáo trên cũng liên tục đặt mua, bán và khớp mua, bán hàng triệu cổ phiếu TVB, chiếm tỷ trọng lớn trong toàn phiên giao dịch.

Cơ quan tố tụng xác định, nhóm bị cáo trên sử dụng 60 tài khoản này để khớp mua thỏa thuận hơn 2 triệu cổ phiếu TVB, trị giá 23,5 tỷ đồng; sau đó khớp bán thỏa thuận hơn 1,4 triệu cổ phiếu, với giá hơn 15 tỷ đồng.

Tương tự thủ đoạn trên, với mã TVC, Phạm Thanh Tùng chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 49 tài khoản của 34 cá nhân khác để tham gia 120 phiên giao dịch, đặt mua gần 69 triệu cổ phiếu TVC.

Các giao dịch này sau đó đã khớp mua hơn 46 triệu cổ phiếu, với tổng trị giá gần 605 tỷ đồng, chiếm hơn 53% khối lượng toàn thị trường. Tiếp đó, nhóm của Tùng đã bán ra hơn 53 triệu cổ phiếu TVC, thu về gần 700 tỷ đồng.

Giao dịch khớp đối ứng nội nhóm cũng diễn ra trong 110 phiên giao dịch hơn 32 triệu cổ phiếu TVC, với tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng...

Từng bị phạt 3 năm tù về hành vi thao túng chứng khoán

Đây là lần thứ 2, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt bị truy tố về tội danh “thao túng thị trường chứng khoán”.

Năm 2023, Phạm Thanh Tùng đã bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Trong vụ án này, Phạm Thanh Tùng đã “bắt tay” Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings, sau đó “bơm” hàng ngàn tỷ đồng để giúp Nhân thực hiện các hoạt động mua, bán, khớp lệnh nhằm tạo cung - cầu giả đối với mã cổ phiếu “rác” BII và TGG, thu lợi bất chính hơn 154,7 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng đánh giá, Phạm Thanh Tùng là người chỉ đạo, quyết định quy chế hoạt động; quyết định các thành viên Hội đồng Quản trị rủi ro của Công ty Chứng khoán Trí Việt và là người giám sát hoạt động cho vay; quyết định danh mục 300 mã chứng khoán cho vay và tỷ lệ cho vay.

Biết rõ mục đích vay tiền để thao túng chứng khoán, nhưng Phạm Thanh Tùng vẫn phê duyệt các khoản vay và chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện, phối hợp để Đỗ Thành Nhân thực hiện các hành vi vi phạm này.

Sau khi chỉ đạo, định hướng đi sâu vào một số mã chứng khoán thuộc loại 2, 3 (cổ phiếu rác) và phê duyệt danh mục, tỷ lệ cho vay, chỉ trong vòng 9 tháng, từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt đã chỉ đạo cho Đỗ Thành Nhân vay tổng cộng 1.214 tỷ đồng; trong đó cho vay gần 750 tỷ đồng để thực hiện giao dịch mua, bán, thao túng 2 mã chứng khoán BII và TGG.

Đáng nói, khi có thông tin cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, Tùng đã chỉ đạo nhân viên thay toàn bộ ổ cứng, xóa tin nhắn để che giấu hành vi phạm tội; đồng thời chỉ đạo tiếp tục cho vay đối với Nhân, nhưng định hướng chia nhỏ khoản vay để tránh bị phát hiện.

Phạm Thanh Tùng được xác định đã thu lợi bất chính hơn 14 tỷ đồng tiền lãi vay theo các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán và hơn 1,3 tỷ đồng tiền phí giao dịch chứng khoán.

Thao túng chứng khoán và chốt chặn giám sát từ tuyến đầu
Đã có nhiều vụ án liên quan đến hoạt động thao túng thị trường chứng khoán còn khá non trẻ của Việt Nam. Vai trò của các nhân sự trong công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư